Lên Google, chỉ cần gõ cụm từ “Thày lang chữa vô sinh hiếm muộn” chỉ trong 0,70 giây cho ra 999.000 kết quả. Còn nếu gõ cụm từ “Bài thuốc chữa vô sinh, hiếm muộn” thì chỉ trong 0,52 giây cho ra 1,75 triệu kết quả. Tuy nhiên, thực tế các bài thuốc này như thế nào, có điều trị được vô sinh hay không thì bệnh nhân là người rõ rất.
Làng An Thái (xã An Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam) là nơi có nhiều “bài thuốc gia truyền” điều trị vô sinh nhất. Vào đến làng, dễ nhận thấy là hàng chục tấm biển quảng cáo chữa vô sinh hiếm muộn gia truyền.
Sau khi đi một vòng quanh làng, chúng tôi vào nhà bà Đ.T.T. (81 tuổi). Bà T. cho biết, gia đình bà có nghề truyền thống bốc thuốc điều trị vô sinh. Để điều trị, bệnh nhân phải ở lại gia đình bà, với chi phí khoảng 300.000 đồng/người/ngày. Việc ở lại gia đình giúp bà theo dõi được tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Trường hợp là nam giới sẽ được mang thuốc về nhà uống và đến kiểm tra định kỳ.
Cũng như bà T., tại An Thái có hàng chục hộ làm nghề chữa vô sinh. Theo thống kê của UBND xã, cả làng có khoảng hơn 30 người có giấy phép hành nghề. Còn số người hành nghề tại nhà, nhiều người còn tới các địa phương khác để bán thuốc dạo hoặc một giấy phép nhưng nhiều người sử dụng (giấy phép cấp cho mẹ, nhưng 2-3 người con cùng sử dụng) thì phải gần 100 người và địa phương không thể quản lý được.
Chị Thanh Loan (Hải Phòng) cho biết, cách đây mấy năm đã đến làng An Thái điều trị vô sinh. Chị đã ăn ngủ ở nhà một thầy lang để uống thuốc và làm thuốc mất 2 tuần với chi phí gần chục triệu đồng nhưng vẫn chẳng có thai nên đã dừng.
Còn chị Vũ Thị Hồng (Hà Trung, Thanh Hóa) cho biết, vừa chữa vô sinh tại nhà bà Yến, ở An Thái, cách đây vài tháng. Chị ở lại nhà bà Yến 10 ngày để đặt thuốc, rồi bà cho vợ chồng chị uống một thang thuốc và cam kết có kết quả trong 3 tháng. Tổng chi phí vợ chồng chị điều trị tại đây hết 7,5 triệu đồng. Đến nay, đã 5 tháng, nhưng chị vẫn chưa có thai. Vì vậy, bà Yến hẹn sau 3 tháng ra kiểm tra lại nhưng chị không dám ra nữa vì sợ “tiền mất, tật mang”.
Ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, vô sinh-hiếm muộn là 2 khái niệm khác nhau. Vô sinh là mất hoàn toàn khả năng sinh con, còn hiếm muộn vẫn có khả năng sinh con, vấn đề chỉ là muộn mà thôi. Cả hai đều là bệnh lý liên quan đến vấn đề sinh sản của nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.
Cũng theo ông Hướng, khi vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường, đều đặn không sử dụng các biện pháp tránh thai mà 2 năm không thấy thụ thai thì chứng tỏ vợ, chồng hoặc cả 2 đang bị vô sinh, hiếm muộn. Nguyên nhân có thể do nam giới, nữ giới hoặc cả 2.
Nhiều người bị vô sinh, hiếm muộn tìm đến các bài thuốc Đông y. Thực tế, Đông y có thế mạnh chữa nội tiết như nang trứng không đều, niêm mạc mỏng, tinh trùng ít, yếu, không động… Còn những bệnh nhân bị lao tử cung, tắc vòi trứng, gấp khúc ống dẫn trứng, tinh trùng là 0%, bị tai biến do quai bị, nhiễm xạ, nhiễm chì cần đến ngoại khoa.
Ông Hướng cũng cho biết, bản thân ông đã đến tận An Thái tìm hiểu, thậm chí đưa bệnh nhân về chữa trị nhưng không hiệu quả. Những trường hợp mà lâu lâu không có con, nhưng chỉ sau một thời gian điều trị, uống thuốc thì có con, đó là họ bị hiếm muộn. Còn những trường hợp đã được xác định vô sinh thì không thể có con khi điều trị tại tây.