pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gần 3 thập kỷ gắn bó với nghề báo
Ông Hà Xuân Trường (trái), Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (nhiệm kỳ 1986-1991), trao Huy chương Vì sự nghiệp báo chí cho Nhà báo Nguyễn Phú Trọng. Ảnh tư liệu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp Khóa 8, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1967, rồi được phân công về công tác tại Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, với nhiệm vụ được giao là biên tập các bài báo làm công tác tư liệu.
Quá trình làm việc tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nghiên cứu cách viết báo, với sản phẩm đầu tay là bài "Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu" đăng trên Tạp chí Văn học số 11 năm 1968.
Kể từ sau khi có tác phẩm đầu tay ấy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tích cực viết hàng loạt bài báo thể loại nghiên cứu và đăng tải ở nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau. Sau này, đồng chí được điều chuyển về công tác ở Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí rồi được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10/1983), Trưởng ban (tháng 9/1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3/1989), Phó Tổng biên tập (tháng 5/1990) rồi Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản (tháng 8/1991 đến năm 1996).
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng (phải) và nhà báo Vũ Lân trong một chuyến đi công tác tại Tuyên Quang năm 1996. Ảnh tư liệu
Nói về nghề báo, đồng chí Nguyễn Phú Trọng từng kể rằng, ngay từ hồi học phổ thông, đồng chí đã yêu thích nghề báo. Lúc đó đồng chí chỉ nghĩ đơn giản là nghề báo "được bay nhảy", "được đi đây đi đó" nhưng càng về sau này, qua thực tế công việc, đồng chí càng hiểu nghề báo đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và càng yêu nghề báo hơn.
Suốt 29 năm gắn bó với nghề báo ở Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi lên từ vị trí phóng viên tập sự, đến chức danh Tổng Biên tập, một hành trình mà không nhiều nhà báo có thể làm được.
Từ tháng 8/1996, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chính thức rời Tạp chí Cộng sản để nhận những nhiệm vụ mới do Đảng và Nhân dân giao phó, từ đây mới kết thúc hành trình dài 29 năm gắn bó với nghề báo.
Dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt với báo chí. Vào năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự Đại hội lần thứ 10 của Hội Nhà báo Việt Nam. Tại đây đồng chí đã có bài phát biểu nêu rõ: Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội lần thứ 10 của Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2015
Tổng Bí thư nhắc nhở anh chị em làm báo cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng.
Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân. Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hoá tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để Nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ Nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
"Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cấp Hội Nhà báo cần chú trọng hơn nữa nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp hội viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam để xây dựng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện phong phú, hấp dẫn.
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc: Phát triển phải đi đôi với quản lý và quản lý phải theo kịp sự phát triển, tạo mọi điều kiện để báo chí hoạt động có chất lượng và hiệu quả.
Dù ở những cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn có phong cách ứng xử gần gũi, thân mật và hòa đồng với các phóng viên báo chí mỗi khi đi công tác. Thậm chí, đồng chí còn dành thời gian đọc và góp ý từng câu từng chữ trong những bài viết của các phóng viên trong những sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Theo Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ (Báo Quân đội nhân dân): “Mặc dù công việc rất bận nhưng chúng tôi để ý thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường xuyên đọc báo, nghe đài. Anh chị em phóng viên chuyên trách thường xuyên được đồng chí góp ý về cách đưa tin, hình thức thể hiện. Trong những lần đi công tác ở nước ngoài, trước những vấn đề nhạy cảm, chúng tôi viết bài, làm tin thường xin ý kiến trực tiếp của đồng chí và tôi thường được anh em trong nhóm giao làm việc này. Với những lần làm việc như vậy dù trong giờ hành chính hay đến đêm khuya, tôi đều được đồng chí đọc, sửa từng chi tiết, câu chữ…".
Với những bề dày kinh nghiệm, thành tích và đặc biệt là một nhân cách lớn, Tổng Bí thư - Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương cho các thế hệ nhà báo, phóng viên, người làm báo học tập và noi theo.
-------
Bài viết có tham khảo nguồn tư liệu:
- Tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Báo Nhân dân điện tử
- Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội X, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 2015
cùng một số tư liệu của đồng nghiệp.