Trong buổi gặp các thân nhân học sinh thiệt mạng và những học sinh may mắn sống sót trong vụ xả súng ở trường Marjory Stoneman Douglas được tổ chức tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho rằng việc vũ trang cho giáo viên có thể giúp đối phó hung thủ và ngăn chặn bi kịch. “Nếu có một giáo viên am tường về súng ống, người ấy có thể giúp kết thúc vụ tấn công rất nhanh”, Tổng thống Trump nói.
Với vụ xả súng tại trường Marjory Stoneman Douglas, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018. Theo nhóm vận động kiểm soát súng đạn "Everytown for Gun Safety", trong 18 vụ nói trên có 8 vụ không gây thương vong, 2 vụ nhằm tự tử và số còn lại là các vụ tấn công. Trong đó, vụ xả súng tại Florida ngày 14/2 là nghiêm trọng nhất, với số người thiệt mạng được xác định lên tới 17 người. Ngoài ra, kể từ tháng 1/2013 đến nay, đã có ít nhất 283 vụ xả súng trên khắp nước Mỹ mà trung bình mỗi tuần một vụ.
Súng trường tự động AR-15 mà tên Nikolas Cruz sử dụng trong vụ thảm sát tại trường Marjory Stoneman Douglas ở Parkland mới đây nằm trong danh sách các vũ khí tấn công bị cấm mà Quốc hội Mỹ đã thông qua năm 1994 và được cựu Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton ký thành luật. Văn kiện này đã hết hiệu lực từ năm 2004 và cho tới nay chưa có dự luật nào thay thế. Điều này cho thấy lỗ hổng lớn trong quy trình cấp phép cũng như kiểm soát sở hữu súng đạn tại Mỹ, và gióng lên hồi chuông thúc giục giới chức Mỹ cần có biện pháp siết chặt súng đạn.
Việc Tổng thống Trump tuyên bố ủng hộ thắt chặt các luật và quy định về buôn bán vũ khí đánh dấu bước thay đổi lớn đối với đảng Cộng hoà. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ không thể thực thi một sớm một chiều và phải vượt qua nhiều "ải", trong đó có giới Cộng hòa bảo thủ và Hiệp hội Súng đạn Mỹ (NRA) - nhóm vận động hành lang đầy quyền lực thường lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình.
Với doanh thu 3,5 tỷ USD mỗi năm từ việc bán súng đạn, chắc chắn NRA không dễ dàng từ bỏ ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này. Thậm chí, nhóm này đang tìm cách nới lỏng một quy định siết chặt trong đó có đạo luật cho phép người dân mang súng từ bang này sang bang khác.
Trong khi đó, trên tại nhiều thành phố ở nước Mỹ, các sinh viên đã đổ xuống đường tuần hành, yêu cầu cải cách luật sở hữu súng đạn tại nước này. Các sinh viên cam kết đưa vụ xả súng đẫm máu tại bang Florida này thành một bước ngoặt trong cuộc tranh luận về kiểm soát súng hiện bị bế tắc tại Mỹ.
Tại thủ đô Washington, hàng trăm sinh viên đã tụ tập bên ngoài Nhà Trắng, giơ các biểu ngữ phản đối Hiệp hội Súng đạn quốc gia (NRA) và yêu cầu chính quyền hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng bạo lực súng đạn. Theo kế hoạch, cuộc tuần hành mang tên "Tuần hành vì mạng sống của chúng ta" sẽ diễn ra vào ngày 24/3 với sự tham gia của các sinh viên trên toàn nước Mỹ.