pnvnonline@phunuvietnam.vn
TP Thủ Đức nêu cách để đẩy nhanh bàn giao hàng trăm cơ sở hạ tầng
Hơn 20 năm qua, Khu đô thị An Phú (TP Thủ Đức) vẫn chưa thể bàn giao cho nhà nước quản lý. Ảnh: Cao Như Quỳnh
Hiện nay ở TP Thủ Đức có còn rất nhiều dự án phát triển nhà ở chưa bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các dự án thực hiện trong giai đoạn 1995 - 2003.
Theo ông Nguyễn Quang Chi, Phó trưởng Phòng Giao thông công chính, UBND TP Thủ Đức, việc giải quyết các vướng mắc về bàn giao hạ tầng được chia thành 4 trường hợp với 4 biện pháp giải quyết khác nhau.
Trường hợp 1: Dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông công chính, hồ sơ pháp lý, hồ sơ hoàn công của dự án bị thất lạc toàn bộ. Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm liên hệ các cơ quan chức năng để được khôi phục, cấp lại hoặc trích lục các hồ sơ pháp lý (giao đất, quyền sử dụng đất, quy hoạch dự án).
Sau khi có các hồ sơ pháp lý nêu trên, Chủ đầu tư thực hiện khảo sát lại hiện trạng các hạng mục công trình, kiểm định chất lượng các hạng mục công trình xây dựng, sửa chữa các hư hỏng của công trình để làm cơ sở bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý
Trường hợp 2: Dự án có công trình hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch nhưng chủ đầu tư đã giải thể. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự xã hội, kiến nghị cho phép UBND các quận, huyện tiếp nhận hạ tầng theo hiện trạng để quản lý.
Ủy ban nhân dân quận, huyện kêu gọi người dân trong dự án hoặc các Chủ đầu tư dự án liền kề để xây dựng, chỉnh trang hoàn chỉnh các hạng mục công trình hạ tầng chưa đúng quy hoạch để đảm bảo đồng bộ giữa các dự án. Đồng thời giao cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm đối với đại diện pháp luật của đơn vị chủ đầu tư.
Trường hợp 3: Công trình hạ tầng không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo chất lượng hoặc hồ sơ thiết kế theo quy định. Chủ đầu tư có trách nhiệm khắc phục các tồn tại của công trình. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục phải được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định trước khi làm. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hồ sơ để làm cơ sở bàn giao.
Trường hợp 4: Dự án còn vướng mặt bằng chưa được đền bù, giải tỏa. Đơn vị chịu trách nhiệm tiếp tục giải phóng mặt bằng và cam kết thời gian hoàn thành, có biện pháp kết nối tạm thời hệ thống hạ tầng.
Dựa vào cơ sở ý kiến của các UBND quận, huyện khu vực có phương án kết nối tạm thời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan xem xét, phân công, phân cấp quản lý phù hợp với hiện trạng dự án.
Phòng Giao thông công chính nhận thấy các trường hợp nêu trên đều thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Đồng thời, việc chủ trì bàn giao hệ thống hạ tầng là Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng phối hợp.
Tuy nhiên, đến nay 2 Sở này vẫn chưa có các hướng cụ thể nào để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác bàn giao hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Vì vậy, Phòng Giao thông công chính sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP Thủ Đức kiến nghị UBND TPHCM, Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng sớm có hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Phòng Giao thông công chính sẽ chủ động phối hợp rà soát, phân loại các dự án đủ điều kiện bàn giao hạ tầng kỹ thuật để đề nghị và đôn đốc chủ đầu tư thực hiện công tác bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho UBND TP Thủ Đức quản lý.
"Đối với các tuyến đường hư hỏng nằm trong dự án thì sẽ yêu cầu chủ đầu tư dự án triển khai thực hiện. Trường hợp chủ đầu tư không triển khai thì như đường Nguyễn Hoàng bị hư vừa rồi, thành phố cũng vận động kinh phí để duy tu, đảm bảo cho người dân", ông Quang Chi chia sẻ.