TPHCM: Bệnh tay chân miệng gia tăng

10/08/2017 - 09:21
Hiện mỗi ngày BV Nhi đồng 1 đang điều trị cho khoảng 50-60 trẻ bị tay chân miệng, tăng gấp đôi so với trước. Đa số phụ huynh nhiều kinh nghiệm nên đã phát hiện trẻ bệnh rất sớm và đưa vào viện khám kịp thời.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1- cho biết, so với năm trước thì số ca bệnh tay chân miệng thời điểm này chưa tăng cao. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng đang vào mùa và sẽ kéo dài từ 1 - 2 tháng tới đây. Dự kiến, phải đến tháng 11 thì bệnh mới giảm.

Trong những ngày qua, tại BV Nhi đồng 1 đã xuất hiện rải rác các ca bệnh nặng độ 3, một số trẻ phải thở máy.

Các triệu chứng của tay chân miệng thường bắt đầu bằng sốt, biếng ăn, đau họng và mệt mỏi. Sau khoảng từ 1-2 ngày kể từ thời điểm bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng bé. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông bé. Phát ban này có thể có mủ nhưng thường sẽ không bị ngứa.

Bác sĩ Khanh lưu ý, khi điều trị cho trẻ tại nhà, nếu thấy trẻ sốt cao quá 2 ngày, sốt cao khó hạ, có hiện tượng nôn ói… thì phụ huynh phải đưa bé đi khám. Nếu xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như giật mình, yếu tay chân, da nổi bông, khó thở… thì phải đưa trẻ nhập viện ngay, vì có thể bệnh đang diễn tiến nặng, xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Những bé bị biến chứng nặng thường do cơ địa, do chủng virus mắc phải hay do quá nhỏ tuổi, dưới 1 tuổi là nguy hiểm nhất.

1.JPG
Trẻ đang điều trị bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1

BS Khanh cũng khuyến cáo, với những nốt ban trên người trẻ, các bậc phụ huynh không nên bôi hay xức bất kỳ loại thuốc gì lên đó vì sẽ khiến cho việc thăm khám, điều trị gặp khó khăn.

Riêng với thương tổn ở vùng miệng, nếu trẻ đau, có thể dùng một số thuốc rơ an toàn và phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ khi đi khám, bởi một số thuốc rơ có tác dụng gây tê không tốt cho trẻ, có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.

Trẻ bị tay chân miệng nên được cho ăn thức ăn lỏng, uống sữa mát. Không ăn thức ăn nóng, cay, đặc, cứng.

Để ngăn ngừa bệnh tay chân miệng, cả người lớn và trẻ nhỏ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh… Bên cạnh đó, cần thường xuyên khử trùng các đồ vật trẻ hay chạm vào như đồ chơi, tay nắm cửa.

Nếu con không may bị bệnh thì các bậc phụ huynh nên xin cho trẻ nghỉ học và thông báo với cô giáo để nhà trường có biện pháp vệ sinh, khử trùng, tránh lây mầm bệnh cho trẻ khác.
 
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm