pnvnonline@phunuvietnam.vn
TPHCM đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine để kiểm soát dịch sởi
Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc sởi đang điều trị tại bệnh viện
Phòng, chống dịch tại trường học
Trước dự báo nhiều ổ dịch có thể sẽ tiếp tục phát sinh tại trường học, trong bối cảnh học sinh trở lại trường, ngành y tế Thành phố tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine.
Chị Lâm Thị Ngọc Vân, một phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Nguyễn Trực (Quận 8, TPHCM), chia sẻ, những ngày qua, chị nghe nhiều thông tin trên báo đài truyền thông về dịch sởi nên cảm thấy lo lắng.
"Khi biết nhà trường có thông báo đưa bé đến tiêm, tôi liền đưa con đi. Con được bác sĩ tư vấn, theo dõi sức khỏe một cách nhiệt tình, đánh giá bé đủ điều kiện tiêm mới tiêm", chị Ngọc Vân chia sẻ.
Theo Sở Y tế TPHCM, việc phát hiện và xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh là điều vô cùng cần thiết. Để thực hiện điều này, Sở Y tế Thành phố đã quyết định thành lập 12 tổ phản ứng nhanh theo khu vực địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Đây là biện pháp cấp bách giúp giải quyết hiệu quả các ổ dịch sởi bùng phát tại trường học, nơi tập trung đông học sinh, dễ có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo đó, mỗi tổ sẽ bao gồm 2-3 thành viên từ HCDC và 1 thành viên từ các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố. Nhiệm vụ của các tổ này là thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng và theo dõi ổ dịch, đồng thời hướng dẫn trường học và Trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi.
Cụ thể, khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, nhân sự phụ trách y tế của trường phải báo cáo ngay cho Trưởng Trạm y tế trên địa bàn. Trưởng Trạm y tế ghi nhận, đánh giá và cử nhân sự đến hiện trường để phối hợp xử lý, đồng thời điều tra sơ bộ tình hình.
Nếu phát hiện có ổ dịch tại trường, Trưởng Trạm y tế phải báo cáo ngay cho Trung tâm y tế, sau đó kích hoạt tổ phản ứng nhanh để đến trường học phối hợp cùng y tế địa phương giám sát và xử lý ổ dịch.
Đơn vị tiêm chủng tư nhân "vào cuộc"
Để đẩy mạnh tốc độ của chiến dịch tiêm chủng vacccine sởi, từ ngày 16/9/2024, nhiều đơn vị y tế tư nhân cũng đã tham gia chiến dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Theo đó, 112 điểm tiêm bao gồm 39 trung tâm VNVC tại TPHCM của Hệ thống Tiêm chủng VNVC, 21 cơ sở tiêm chủng thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu và 52 cơ sở tiêm chủng tư nhân thuộc Công ty Cổ phần y tế Chấn Văn đã tham gia chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi miễn phí cho trẻ.
Bà Ngô Thị Tuyết Sương, Giám đốc Quản lý chất lượng Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết, hệ thống kho lạnh, dây chuyền lạnh, xe lạnh vận chuyển vaccine chuyên nghiệp và gần 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên của 39 trung tâm VNVC tại TPHCM tham gia chiến dịch, nhằm đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine, đặc biệt chú trọng đảm bảo tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả cao trong phòng bệnh sởi.
"Người dân có thể đưa trẻ từ 1 đến 10 tuổi sống tại TPHCM chưa được tiêm vaccine sởi đủ 2 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng nào của VNVC trên địa bàn Thành phố để được tiêm miễn phí", bà Sương cho hay.
Theo Sở Y tế TPHCM, các điểm tiêm tại các cơ sở y tế tư nhân sẽ hoạt động kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa trẻ đi tiêm. Song song đó, Trung tâm y tế các quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ đảm bảo vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật phải triển khai 1-2 điểm tiêm để thuận tiện cho người dân đưa trẻ đến tiêm.
Sự vào cuộc của các cơ sở y tế tư nhân được đánh giá sẽ giúp đẩy nhanh tốc độc tiêm của chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi, góp phần kiểm soát và ngăn chặn dịch sởi trên địa bàn.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tổng số ca sởi trên địa bàn tính từ đầu năm đến ngày 15/9/2024 là 705 ca, trong đó có 3 ca tử vong liên quan đến sởi. Các quận, huyện có ca số ca mắc sởi cao gồm: huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Đặc biệt, TPHCM đã ghi nhận 5 ổ dịch sởi tại trường học, đều phát sinh trong trường tiểu học từ ngày khai giảng đến nay.