pnvnonline@phunuvietnam.vn
TPHCM đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin sởi nhằm kiểm soát dịch trong tháng 9
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ
Ngày 19/9, Sở Y tế TPHCM cho biết, trong tuần 37 (từ ngày 9-15/9), toàn thành phố triển khai 308 điểm tiêm chủng, trong đó có 232 điểm tiêm tại các trường mầm non và tiểu học. Trung bình mỗi ngày có khoảng 4.400 liều vắc xin sởi được tiêm cho trẻ cần tiêm chủng của chiến dịch.
Tính đến hết ngày 17/9, chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella của thành phố đã đạt tổng số 76.993 mũi sởi-rubella. Trong đó, đã tiêm được 31.075 mũi cho trẻ từ 1-5 tuổi (đạt tỷ lệ 62,3%), 39.745 mũi cho trẻ từ 6-10 (đạt tỷ lệ 22,3%), và 6.173 mũi cho các đối tượng khác (trẻ thuộc nhóm nguy cơ, nhân viên y tế). Trong đó, huyện Bình Chánh, quận 10 và quận 8 là những địa phương có tiến độ tiêm cao.
Theo Sở Y tế, chỉ trong vài ngày triển khai thêm các điểm tiêm chủng tại trường học, số lượng trẻ được tiêm chủng đã tăng lên nhanh chóng. Việc tổ chức tiêm chủng tại trường học đã tạo điều kiện thuận tiện cho các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin nên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh.
Từ nay đến ngày 22/9, Sở Y tế tiếp tục triển khai 506 điểm tiêm gồm 260 điểm tiêm tại các Trạm Y tế, 15 điểm tại Trung tâm y tế, 268 điểm tại trường học, 112 điểm tại các cơ sở tiêm chủng tư nhân nhằm đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm vắc xin sởi, sớm kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9.
Trước đó, ngày 27/8, UBND TPHCM đã công bố dịch sởi trên quy mô toàn thành phố. Từ ngày 31/8, ngành y tế thành phố triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi nhằm ngăn ngừa, kiểm soát dịch sởi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm đến ngày 15/9 là 705 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn.
Khi trẻ bước vào năm học mới thì cũng xuất hiện ổ dịch tại các trường học. Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM cũng đã quyết định thành lập 12 tổ phản ứng nhanh theo khu vực địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức nhằm giúp giải quyết hiệu quả các ổ dịch sởi bùng phát tại trường học, nơi tập trung đông học sinh dễ có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo đó, mỗi tổ sẽ bao gồm 2-3 thành viên từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và 1 thành viên từ các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố. Nhiệm vụ của các tổ phản ứng nhanh sẽ thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng và theo dõi ổ dịch, đồng thời hướng dẫn trường học và Trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi.