TP.HCM đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố

Tin, ảnh: Cao Như Quỳnh
21/09/2023 - 20:30
Chiều 21/9, Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, thời gian dự kiến áp dụng thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn bắt đầu từ 0h ngày 1/1/2024. Đặc biệt, người dân có thể tham gia giám sát, phản ánh một cách minh bạch về việc quản lý trật tự đô thị lòng đường, hè phố.

Nội dung về việc sử dụng lòng đường, hè phố được ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TPHCM thông báo tại buổi họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch do UBND TP.HCM tổ chức chiều 21/9.

TP.HCM đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố - Ảnh 1.

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông vận tải TPHCM trong cuộc họp báo chiều 21/9.

Các tuyến đường trung tâm sẽ có mức thu phí cao hơn

Theo ông Hải Đường, việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải đảm bảo nguyên tắc chung: Lòng đường, hè phố phải được ưu tiên cho mục đích giao thông. Trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố bảo đảm không gây mất trật tự an toàn giao thông.

Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5 mét, phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông, phải được phân định cụ thể với phần dành cho giao thông, phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố. Song song đó, việc sử dụng này phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

Trước đó, ngày 15/9/2023, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình UBND TP.HCM về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong 1 tháng thì tính thu phí nửa tháng, ngược lại thì tính thu phí 1 tháng. Các tuyến đường trung tâm (là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn giá đất bình quân khu vực) sẽ có mức thu phí cao hơn.

Đơn cử như khu vực 1, mức thu phí cho các hoạt động (trừ hoạt động đỗ, trông giữ xe) ở các tuyến đường trung tâm là 100.000 đồng/m2/tháng và các tuyến đường còn lại là 50.000 đồng/m2/tháng. Còn mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe lần lượt là 350.000 đồng/m2/tháng và 180.000 đồng/m2/tháng.

TP.HCM đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố - Ảnh 2.

Bảng đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho từng khu vực trên địa bàn.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân phải nộp phí khi được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa, điểm trông giữ xe ôtô phục vụ các hoạt động văn hóa (trừ các hoạt động văn hóa, điểm trông giữ xe ôtô phục vụ các hoạt động văn hóa theo kế hoạch của thành phố và các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước).

Đồng thời, những nơi làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị, bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe cũng phải nộp phí.

Các tổ chức, cá nhân phải nộp phí khi được phép sử dụng tạm thời hè phố để tổ chức các hoạt động văn hóa, điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa (trừ các hoạt động văn hóa, điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa theo kế hoạch của thành phố) và các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước), làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa.

Các trường hợp làm điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng, lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông, điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình, bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe cũng phải nộp phí.

Tăng sự minh bạch trong việc quản lý trật tự đô thị

Sau khi Hội đồng Nhân dân TP thông qua nghị quyết thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn, Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện sẽ tiến hành rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các chức năng, hoạt động cụ thể.

Các địa phương có trách nhiệm rà soát trên địa bàn được giao quản lý các hè phố đủ điều kiện để tổ chức mua, bán hàng hóa. Từ đó xác định phạm vi, lựa chọn và công bố danh mục các vị trí hè phố được phép tổ chức các hoạt động tạm thời để xây dựng phương án tổ chức thực hiện có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý.

Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ chủ trì xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép sử dụng tạm thời lòng lề đường trên toàn TP để người dân có thể giám sát, theo dõi và phản ánh đến cơ quan báo chí.

Việc thu phí phải đảm bảo thuận tiện và minh bạch, không phát sinh tăng biên chế, nhân sự thực hiện công tác này. Việc thu phí thực hiện đồng thời với việc cơ quan chức năng xem xét chấp thuận phương án hoặc cấp phép sử dụng với phương thức thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt. Thời gian thu phí dự kiến là vào ngày 1/1/2024.

TP.HCM đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố - Ảnh 3.

Ông Lê Tấn Tài - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam quận 5 thông tin về việc làm ốp thảm cỏ nhựa chống dán băng quảng cáo.

Tại buổi họp báo, ông Lê Tấn Tài - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam quận 5 cũng thông tin về việc thực hiện công trình ốp thảm cỏ nhựa chống dán băng quảng cáo, rao vặt sai quy định được thực hiện từ cuối năm 2019 đến nay. Nhận thấy việc ra quân cạo xóa bảng quảng cáo rao vặt sai quy định không phải biện pháp lâu dài nên Mặt trận Tổ quốc quận 5 đã thực hiện công trình trên. Đến nay, trụ điện ốp thảm cỏ nhựa được 495/526, đạt tỷ lệ 94%, trụ đèn chiếu sáng là 1286 trụ. 

Kinh phí thực hiện 100% sử dụng từ nguồn xã hội hóa hoặc kinh phí vận động từ các mạnh thường quân (trung bình 130.000 đồng/trụ và vật liệu sử dụng có thể kéo dài 1-2 năm). Công trình ốp thảm cỏ nhựa chống dán băng quảng cáo nhận được sự ủng hộ cao từ người dân. Trong quá trình thực hiện, Mặt trận Tổ quốc quận 5 đã tiếp thu các ý kiến và thay đổi chất liệu để phù hợp, tăng tính thẩm mỹ về mỹ quan đô thị. Qua nhiều hội nghị đánh giá, việc ốp thảm cỏ nhựa tại các trụ đèn chiếu sáng, trụ điện góp phần làm giảm tình trạng dán bảng quảng cáo, rao vặt sai quy định trên 95%. Người dân có thể tháo gỡ các bản quảng cáo, rao vặt này dễ dàng hơn trước đây trong thời gian chờ chính quyền xử lý.

Không kiểm tra học sinh đầu giờ học đột xuất

Trong cuộc họp báo diễn ra chiều 21/9, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, giáo viên không được kiểm tra đầu giờ đột xuất, bất chợt. Giáo viên cần phải xác định rõ mục đích của việc kiểm tra, kế hoạch kiểm tra rõ ràng.

Việc kiểm tra thường xuyên có thể thực hiện bằng nhiều hình thức như vấn đáp, kiểm tra bằng giấy, qua quá trình học tập, qua thái độ học tập,…

Kiểm tra để đánh giá năng lực của học sinh mới là quan điểm của ngành giáo dục. Kiểm tra là cả một quá trình, không được tạo áp lực cho học sinh bằng cách "dò bài" theo kiểu cầm lô tô xào qua xào lại hoặc mời số thứ tự của học sinh theo ngày,…

"Chúng tôi phản đối cách làm này bởi việc này khiến học sinh lúc nào cũng lo sợ, áp lực vì không biết hôm nay mình có trả bài hay không", ông Hồ Tấn Minh khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm