pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: "Giành lại" vỉa hè không làm theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa"
Khách du lịch, người đi bộ ở Hà Nội đã có không gian để đi lại thay vì phải đi dưới lòng đường như trước. Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+
Ngày 31/3, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban quý I/2023 với các địa phương trên địa bàn.
Kết luận hội nghị giao ban quý 1, ông Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 197 và Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố cần tiếp tục chú trọng các biện pháp duy trì kết quả, bảo đảm lâu dài về trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Song song với quá trình đó, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố cần tập trung chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp tổng thể, toàn diện, có tính căn cơ, bài bàn và lâu dài đối với lĩnh vực này.
"Lòng đường, vỉa hè gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch; từ thiếu công khai, minh bạch nên dân cứ tràn ra, tràn vào sau mỗi lần ra quân", Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định vấn đề.
"Phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu "bắt cóc bỏ đĩa". Thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại không thể cứ quanh năm đi dẹp vỉa hè, lòng đường", Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Bí thư Hà Nội chỉ đạo, giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới; nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của người dân thì tiến hành "số hóa" để tổ chức thực hiện; trước mắt có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay.
Ông Đinh Tiến Dũng cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút đầu tư mạnh vào lĩnh vực giao thông tĩnh; chỉ đạo rà soát, bố trí lại hướng tuyến giao thông hiệu quả hơn nữa để giảm thiểu xung đột và ùn tắc khu vực giao thông...
Đối với công tác quản lý, đầu tư hệ thống chợ, Bí thư Thành ủy cho rằng tiến độ nhìn chung còn chậm. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu, phải quan tâm đầu tư, quản lý, phát huy hiệu quả các chợ đầu mối nông sản; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư chợ, cảng cạn; tăng cường quản lý hệ thống chợ trên toàn địa bàn Thành phố bảo đảm phục vụ kinh tế, dân sinh; sớm hoàn thiện giá tính dịch vụ thuê địa điểm bán hàng để thu hút đầu tư; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong chợ...
Về hệ thống công viên, ông Đinh Tiến Dũng yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa phát triển công viên, đồng thời, phân cấp mạnh cho địa phương quản lý, khai thác. "Thành phố đang quản lý 5 công viên, cần thiết phải giảm tiếp, có thể tính phương án đấu thầu quản lý, khai thác. Các quận, huyện cũng cần tính toán theo hướng này", Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Theo báo cáo về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, tính đến hết ngày 25/3, Ban chỉ đạo 197 thành phố đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông (tăng 5.553 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó), phạt thành tiền 50,5 tỉ đồng. Đồng thời, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm trật tự đô thị (tăng 3.498 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó), phạt thành tiền 9,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng một số hộ dân vẫn không chấp hành, chưa chủ động sắp xếp gọn gàng hàng quán, để phương tiện tràn lan trên hè phố, dưới lòng đường.