TPHCM: Gần 276 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo sau 20 năm

Việt Hải
05/11/2022 - 17:01
TPHCM: Gần 276 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo sau 20 năm

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn chính sách.

Với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn TPHCM.

TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu tàu, động lực có sức thu hút và lan tỏa lớn trong vùng và cả nước, đóng góp trên 1/5 GDP và trên 1/4 thu ngân sách cho ngân sách quốc gia hằng năm.

Tuy nhiên, kinh tế phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh cũng làm cho việc phân hóa giàu nghèo và các tệ nạn xã hội tăng theo. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 gần đây phức tạp đã làm người nghèo thành phố càng khó khăn hơn do lạm phát, giá cả tăng cao, khó tìm việc làm, thu nhập giảm sút, đời sống bấp bênh.

Những chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Những vấn đề này đã được các cấp lãnh đạo thành phố nhận thức rõ từ năm 1992 để rồi TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng và thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo (nay là Chương trình giảm nghèo bền vững) và đến nay đang thực hiện giai đoạn 7 (2021 - 2025) với 11 lần điều chỉnh chuẩn nghèo.

Mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn có thêm những bước đột phá từ khi chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố hình thành và vận hành đầu từ đầu năm 2003 với việc gắn kết mật thiết chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình an sinh xã hội của thành phố với các chương trình tín dụng đa dạng.

Đặc biệt, từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.

Không chỉ chỉ đạo chính quyền địa phương phối kết hợp với chi nhánh NHCSXH thành phố quản lý cũng như tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức luôn dành ưu tiên nguồn ngân sách ủy thác sang chi nhánh NHCSXH thành phố.

Tính đến 30/9/2022, nguồn vốn nhận ủy thác cho vay tại địa phương là 3.118,2 tỷ đồng, tăng 3.103,2 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập, chiếm 41,4% tổng nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn ủy thác địa phương từ sau khi triển khai Chỉ thị số 40 tăng thêm 2.800 tỷ đồng, góp phần đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại chi nhánh NHCSXH thành phố đạt 7.530 tỷ đồng, tăng 7.378,3 tỷ đồng, gấp 48,6 lần so với thời điểm mới bắt đầu hoạt động năm 2003.

Thành phố Hồ Chí Minh: Gần 276 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo sau 20 năm - Ảnh 1.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn chính sách.

Thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (2003) với 92 tỷ đồng, đến nay chi nhánh đã và đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, trong đó có 4 chương trình tín dụng địa phương có tổng dư nợ đến 30/9/2022 đạt 7.494,2 tỷ đồng, tăng 7.352,8 tỷ đồng (tăng hơn 80 lần) so với thời điểm mới thành lập và nhận bàn giao các chương trình cho vay, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân 25,3%/năm, với 155.246 khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ là 43,8 triệu đồng/khách hàng.

Tạo hiệu ứng an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững

Với phương châm "Trung ương và địa phương cùng làm", tín dụng chính sách đã tạo hiệu ứng an sinh xã hội lớn trên địa bàn thành phố, như chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 4.352,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,1% tổng dư nợ, với 95.465 khách hàng đang vay vốn; trong đó, dư nợ cho vay nguồn vốn địa phương đạt 1.643,8 tỷ đồng, với 37.391 khách hàng đang vay vốn.

Đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn nhất trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện giúp cho trên 321.700 lượt lao động có việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh: Gần 276 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo sau 20 năm - Ảnh 2.

Những chính sách được triển khai trong mua dịch Covid-19 giúp đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, để triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, cũng như Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo phương pháp tiếp cận đa chiều tại thành phố, chương trình cho vay hỗ trợ giảm nghèo của thành phố triển khai thực hiện cho vay trên địa bàn thành phố kể từ năm 1994 thông qua Quỹ xóa đói giảm nghèo thành phố đã được ủy thác, bàn giao qua chi nhánh NHCSXH thành phố quản lý từ năm 2016 để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo trên địa bàn với tổng dư nợ tại thời điểm nhận bàn giao là 213 tỷ đồng.

Sau gần 6 năm nhận bàn giao, tổng doanh số cho vay đạt 2.937,1 tỷ đồng, với trên 98.650 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo thành phố được vay vốn. Đến nay, dư nợ chương trình đạt 1.336,6 tỷ đồng, tăng 1.123,6 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, chiếm tỷ trọng 17,8% tổng dư nợ, với với 33.130 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo các giai đoạn đang vay vốn. Đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn thứ hai trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện.

Nhìn lại sau 20 năm qua đã có gần 1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ chi nhánh NHCSXH thành phố, với doanh số cho vay đạt 21.486,9 tỷ đồng; góp phần giúp gần 276 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm, duy trì việc làm cho hơn 321,7 nghìn lao động, hơn 117,7 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo trên 320,7 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; gần 12 nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị sửa chữa nhà ở và phát triển kinh tế...

Nguồn vốn chính sách cũng giúp cho 197 lượt doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho hơn 67,2 nghìn lượt người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; giúp cho 141 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch và mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động…

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đã góp phần góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố giai đoạn 2004-2010 từ 7,72% xuống 0,2%; giai đoạn 2009 - 2015 từ 8,4% xuống 0,89%; giai đoạn 2016-2020 từ 2,41% xuống 0,13% (cuối năm 2020).

Thành phố Hồ Chí Minh: Gần 276 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo sau 20 năm - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do UBND TPHCM tổ chức.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định: "Các chương trình tín dụng ưu đãi do chi nhánh NHCSXH thành phố thực hiện đều xuất phát từ nhu cầu thực tế xã hội nên đã đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực sinh động, được cấp ủy, chính quyền cơ sở ghi nhận. Đông đảo nhân dân, nhất là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm