pnvnonline@phunuvietnam.vn
TPHCM: Hơn 150 phụ nữ ở xã đảo được tầm soát ung thư kỹ thuật mới
Ảnh minh họa
Ngày 8/11, Sở Y tế TPHCM cho biết, hệ thống soi cổ tử cung từ xa (TeleCervicography) đã được các y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mang đến Trạm y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) để tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ đang sinh sống tại đây. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một kỹ thuật soi cổ tử cung có AI giúp phát hiện và tầm soát ung thư cổ tử cung được triển khai ngay tại trạm y tế xã.
Theo kế hoạch, các y bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương sẽ khám, tầm soát ung thư cổ tử cung miễn phí cho 152 phụ nữ tại xã đảo Thạnh An. Ngay sau soi cổ tử cung, hình ảnh sẽ được hệ thống AI phân tích và đưa ra kết quả. Nếu kết quả nghi ngờ bệnh lý, người dân sẽ được mời về Bệnh viện Hùng Vương để tiếp tục khám chuyên sâu, thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán để xác định bệnh lý. Từ đó có kế hoạch can thiệp, điều trị và theo dõi cụ thể.
Hệ thống soi cổ tử cung từ xa (TeleCervicography) giúp tầm soát ung thư cổ tử cung mà không phải thực hiện kỹ thuật Pap smear quen thuộc tại các phòng khám và bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa. Kỹ thuật này có tên là CerviCare AI, được thực hiện nhờ hệ thống TeleCervicography.
Kỹ thuật CerviCare AI được đào tạo trên một tập dữ liệu lớn gồm hơn 100.000 hình ảnh cổ tử cung, bao gồm cả hình ảnh bình thường và hình ảnh bất thường. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng của Cơ quan kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm Hàn Quốc (KFDA), CerviCare AI có thể phát hiện chính xác ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm với độ chính xác lên đến 98%.
Kỹ thuật soi cổ tử cung có tích hợp AI giúp tầm soát ung thư cổ tử cung do một công ty khởi nghiệp sáng tạo tại Hàn Quốc tạo ra. Hiện nay, ngoài Hàn Quốc, một số nước đã bắt đầu phê duyệt cho phép sử dụng ứng dụng này tại các cơ sở khám, chữa bệnh như Nhật Bản, Đài Loan,Thái Lan. Mới đây, Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp cận kỹ thuật mới này và đầu tư nguồn lực triển khai.
Tại xã đảo Thạnh An, cách đây 1 năm, Sở Y tế TPHCM cũng đã triển khai ứng dụng AI trong chụp X-quang ngực. Ứng dụng này đã giúp nhân viên y tế của Trạm y tế xã đảo nhanh chóng phát hiện tổn thương trên phim X-quang trong bối cảnh không thể tuyển dụng bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh về công tác tại xã đảo.
Theo Sở Y tế TPHCM, việc ưu tiên nguồn lực cho xã đảo Thanh An triển khai các ứng dụng AI trong công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng của ngành y tế nhằm thu hẹp hơn nữa khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ y tế đối với người dân ở vùng xa trung tâm của thành phố.