TPHCM – Người phụ nữ “Đi chợ giúp dân”, góp thêm sự an tâm cho bà con vùng xanh

Minh Tuấn
04/08/2021 - 19:29
“Vùng xanh” tự quản là mô hình đang ngày càng được nhiều khu vực tại TPHCM áp dụng để giảm thiểu sự lây lan Covid-19. Góp thêm sự yên tâm của bà con tại “vùng xanh” ở phường 3, quận 5 là vai trò của Hội Phụ nữ đang được phát huy mạnh mẽ từ cô chủ tịch “Đi chợ giúp dân”.

Vùng xanh – Vành đai bảo vệ cho khu vực không có F0

Nơi giao nhận hàng hóa của "Vùng xanh" ở khu phố 2 phường 3 quận 5

Nơi giao nhận hàng hóa của "Vùng xanh" ở khu phố 2, phường 3, quận 5

Theo chị Anh Thư, trưởng khu phố 2 -P3, Q5, cho biết: Ngay sau khi toàn bộ khu phố có kết quả xét nghiệm âm tính thì Ủy ban phường đã vận động người dân căng dây để bảo vệ "vùng xanh" cho khu vực mình. Ở mỗi hẻm, ngõ vào đều do tổ dân phố tại đó cử người tình nguyện để trực, kiểm soát không cho người lạ vào. Cũng như hạn chế tối đa người bên trong ra nếu không có nhu cầu thật sự cần kíp.

Ngoài lối đi chính, nơi duy nhất có lực lượng công an, dân phòng kiểm soát thì các ngõ còn lại đều do dân thay phiên trực. Có cả thành viên nữ như chị Tú Nga - chi hội trưởng Hội PN nhà ở đầu hẻm 351 đường An Dương Vương. Những shipper, người đưa hàng… từ nơi khác đến đều được yêu cầu gửi tại chốt, khử khuẩn hàng hóa rồi liên lạc người bên trong ra nhận. Thường thì người dân trong vùng xanh ra lấy đồ phải cũng không phải di chuyển quá xa, khoảng cách xa nhất tầm hơn 200m trở lại.

Người lạ, người giao hàng... không được vào "vùng xanh". Hàng hóa được khử khuẩn và thông báo người bên trong ra nhận

Người lạ, người giao hàng... không được vào "vùng xanh". Hàng hóa được khử khuẩn và thông báo người bên trong ra nhận

Theo chị Anh Thư, trong vài ngày đầu thực hiện căng dây tạo vùng xanh tự quản, có nhiều người cũng không đồng tình vì bất tiện trong đi lại. Họ cho rằng nhà mình không bị nằm trong vùng phong tỏa, không muốn bị cô lập. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là các khu phố xung quanh đều đã bị phong tỏa do có nhiều ca dương tính, thì bà con mới thấy rằng việc thiết lập vùng xanh là cần thiết, hiệu quả, tránh được nguy cơ  lây nhiễm từ bên ngoài.

Trong việc này thì vai trò hội phụ nữ, các tổ trưởng tổ dân phố cũng rất quan trọng. Họ là những người gần gũi và có thể vận động sự ủng hộ, chia sẻ của người dân đối với mục đích chung vì sự an toàn mùa dịch này.

Cô Chủ tịch "Đi chợ giúp dân" phí ship 0 đồng

Tại phường 3 quận 5, để việc thiết lập vùng xanh an toàn được diễn ra một cách tự nguyện, hiệu quả không thể không kể đến một hoạt động vô cùng thiết thực, được bà con hoan nghênh, đó là "Đi chợ giúp dân". Nhân vật chính của hoạt động hỗ trợ này là chị Thanh Liêm, Chủ tịch Hội PN phường 3, quận 5.

Mỗi ngày, thông qua các nhóm nội bộ trên mạng, chị Thanh Liêm tiếp nhận những "đơn hàng" từ bà con trong phường đặt mua các loại thực phẩm. Từ rau củ quả cho tới thịt cá tươi sống. Mỗi sáng, có mặt tại điểm tập kết thực phẩm từ 6h, chị Liêm bắt đầu phân chia rồi chở đi giao tận tay bà con tại các khu vực khác nhau trong địa bàn phường. Mỗi ngày chị thực hiện giao trung bình gần 20 đơn hàng, có lúc nhiều lên đến 30, nhiều nơi bà con các hộ gộp chung cùng một đơn cho tiện.

Loay hoay chạy ngoài đường giao hàng đến tận 2h trưa xong thì chị mới được ăn cơm trưa. Rồi tiếp tục nhận đơn hàng đến 4h chiều là chấm dứt, chốt đơn. Ngoài "Đi chợ giúp dân" thì sau 4h chị Liêm còn tất bật chạy đưa các hàng hóa, thực phẩm mà các nhà hảo tâm gửi cho các khu vực phong toả, các trường hợp khó khăn khắp nơi trong địa bàn phường. Suốt tận 7-8h tối chị mới về được nhà với con nhỏ 8 tuổi đang nhờ bà ngoại chăm sóc.

Thanh Liêm- Chủ tịch Hội PN phường 3 (đeo kính) và một hội viên trên đường "Đi chợ giúp dân"

Thanh Liêm- Chủ tịch Hội PN phường 3 (đeo kính) và một hội viên trên đường "Đi chợ giúp dân"

Chị Bình ở tổ 33 chia sẻ về "Đi chợ giúp dân":

"Lúc đầu thấy có đăng trên group ở phường mục "Đi chợ giúp dân" thì tôi cũng tò mò đặt thử xem sao. Tôi rủ các nhà bên cạnh cùng gộp chung một đơn hàng cho tiết kiệm, đỡ tốn phí ship. Nhưng không ngờ, khi nhận hàng thì cô Liêm bảo rằng phí ship là "0 đồng", chỉ hỗ trợ cho bà con là chính. Tôi thật sự bất ngờ và vô cùng cảm động. Thấy Liêm nhiệt tình vậy, nếu có điều kiện tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ".

Chị Bình cho biết thêm, theo kinh nghiệm mình khi đặt hàng ở một số trang bán hàng online khác thì ít khi nhận đầy đủ các món mình đã "order", do người bán báo hết hàng vào giờ cuối hoặc lúc nhận hàng. Nhưng chỗ "Đi chợ giúp dân" của chị Thanh Liêm thì luôn luôn có đầy đủ những gì đã thông báo trước đó, mà lại còn tươi sống, ngon lành…

Nói về công việc "Đi chợ giúp dân", chị Thanh Liêm cho biết, mình bắt đầu từ khi thành phố bắt đầu áp dụng chỉ thị 16 của TTCP. Nhờ sự hỗ trợ thêm của người bạn trai trong việc tìm nguồn cung cấp và đưa về nơi tập kết tại phường mà mình có phần chủ động hơn, đáp ứng đầy đủ hơn các loại thực phẩm cho nhu cầu hằng ngày của bà con.

Thanh Liêm đang lựa chọn phân chia rau  trước khi đi giao cho bà con cho kịp nấu nướng buổi trưa

Thanh Liêm đang lựa chọn phân chia rau trước khi đi giao cho bà con kịp nấu nướng buổi trưa

Bản thân chị Liêm cũng luôn tìm mọi cách để có thêm nguồn thực phẩm cho phong phú vì: "lo bà con ăn hoài một món tội nghiệp". Có lần chị liên lạc tận Hội Phụ nữ TP Plei-Ku (Gia Lai) để nhờ hỗ trợ thêm thực phẩm tươi sống cho bà con. Lần đó nhận được chuyến hàng từ tận Plei-Ku gửi về phường 3, chị Liêm báo tin lại mà cả hai phía đều vui mừng khôn xiết khi góp phần giúp cho bà con trong mùa dịch.

Nhiều người cũng lo giữa tình trạng lây lan nghiêm trọng của dịch bệnh, chị Liêm cứ ngày nào cũng cặm cụi nhận đơn, chốt đơn, tự phân chia rồi một mình chạy giao hàng tận tay bà con đến tối mới về. Dù bản thân cũng không có chuyên về buôn bán. Trước những nhọc nhằn, chị Thanh Liêm bày tỏ:

"Cũng mệt lắm ạ, trước đây thì có một vài chị em hỗ trợ mình nhưng rồi các chị em lại kẹt trong khu vực phong tỏa, một phần phải chăm con nhỏ, không được ra thì mình vẫn phải tiếp tục, để giúp bà con cũng đang muôn phần khó khăn. Từ khi em làm công việc ngày, mỗi ngày nghe biết bao nhiêu cuộc gọi, đầu cứ căng ra. Vì vậy em khuyến khích bà con cứ nhắn tin rồi sẽ lần lượt trả lời.

 Mặc dù hỗ trợ phí ship "0 đồng" nhưng cũng không ít lần giao hàng không kịp, rau héo chút thì bị bà con phàn nàn, khó chịu. Những lúc đó chỉ biết xin lỗi, giải thích để bà con thông cảm. Chứ mình chạy bên ngoài, mưa nắng ở Sài Gòn thì thất thường, bản thân mình còn "héo" chứ nói chi cọng rau, con cá... Thường thì các cô chú nghe giải thích cũng thông cảm, không trách nữa. Cũng có nhiều bà con thấy cực, gửi thêm 10-20 ngàn để đổ xăng..."

Nhắc đến chị Thanh Liêm, cô Yến ở khu phố 3 chia sẻ: "Liêm rất nhiệt tình, bà con ai cũng nhờ, có một mình nó mà cứ cặm cụi đi lo từng món cho bà con. Tôi có nói: Liêm ơi, con đi ở ngoài vầy ráng giữ gìn sức khỏe để còn giúp bà con nha. Nhưng cuối cùng nó cũng bị cách ly (vì trở thành là F1). Dù bị cách ly nhưng Liêm vẫn liên tục làm việc qua điện thoại, kiếm nguồn thực phẩm, nhờ người giao đến cho bà con. Cho đến khi cách ly xong là lại lao vào đi chợ cho bà con. Phải nói tinh thần của Liêm thật là đáng quý. Hội Phụ nữ phường có người như vậy làm cho mình cũng được động viên, yên tâm hơn trong mùa dịch này"...

Ngoài thời gian "Đi chợ giúp dân", Thanh Liêm còn vận chuyển hàng hóa của mạnh thường quân đến các khu vực khó khăn và tiếp tế cho lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch

Ngoài thời gian "Đi chợ giúp dân", Thanh Liêm còn vận chuyển hàng hóa của nhà hảo tâm đến các khu vực khó khăn và tiếp tế cho lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch

Chia sẻ về công việc chút thì Thanh Liêm lại xin phép ngưng để lo chốt đơn cho bà con trước 4h chiều. Sau đó sẽ tranh thủ tìm thêm nguồn thực phẩm cho ngày mai, bởi vì việc vận chuyển bây giờ ngày càng khó khăn. Cô Chủ tịch Hội PN phường 3 chân tình: "Chỉ mong chiến thắng đại dịch này để bà con cô bác được cuộc sống an yên, Sài Gòn  nhộn nhịp lại ạ. Nhìn đường phố bây giờ rất buồn, xe cấp cứu thì chạy tới lui liên tục mà càng lúc càng xót xa".


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm