TPHCM: Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí cho trẻ

Đông Quân
04/12/2021 - 11:20
TPHCM: Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí cho trẻ

Bác sĩ tư vấn cho một phụ huynh đưa con đến tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao

Vào sáng thứ 7 và Chủ nhật từ ngày 11/12 đến 26/12, Khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) tổ chức chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em".

Đối tượng được tầm soát là tất cả các  trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi. Từ nay đến ngày 19/12, phụ huynh có thể gọi điện thoại đăng ký theo hotline 0786709375 (từ 8h -17h tất cả các ngày trong tuần).

Phụ huynh và trẻ (từ 12 tuổi) đến khám phải tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, mũi 2 đủ 14 ngày tính từ lúc tiêm đến thời điểm đến khám. Riêng trẻ dưới 12 tuổi, không nằm trong độ tuổi tiêm vaccine  Covid-19 ở thời điểm hiện tại thì không cần áp dụng quy định này cho trẻ, chỉ áp dụng cho phụ huynh đưa trẻ đến khám.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức chương trình này, bắt đầu từ năm 2017. Sau 4 năm triển khai, chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 1.500 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là hơn 120 trẻ. Trong năm nay, chương trình dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng hơn 200 trẻ đến thăm khám.

TS. BS. Lê Cao Phương Duy - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, trong những nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, thiếu hormone tăng trưởng (GH) là nguyên nhân quan trọng nhưng rất khó nhận biết. Do đó, mục đích của chương trình là để giúp các em được tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm, giúp cho chiều cao của các em trong tương lai không bị thiếu hụt, không thấp kém so với bạn bè đồng trang lứa.

Trẻ tham gia tầm soát sẽ được các bác sĩ hỏi về tiền sử lúc sanh, tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình, tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Tiếp theo, trẻ sẽ được thăm khám lâm sàng và đánh giá tình trạng tăng trưởng thông qua các chỉ số chiều cao, cân nặng, đối chiếu với các giá trị tham chiếu trên biểu đồ tăng trưởng.

TPHCM: Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí cho trẻ - Ảnh 1.

Bác sĩ Khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tư vấn tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ

Trẻ cũng được chụp X - Quang xương bàn tay miễn phí khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ là bình thường hay bất thường. Những trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn các bước xử trí tiếp theo.

Quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao diễn ra vượt trội là từ 0-2 tuổi và tuổi dậy thì. Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ tăng trưởng chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.

Trên thực tế, phụ huynh ngày càng quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nguyên nhân con thấp còi chủ yếu do dinh dưỡng và nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện sau thời gian điều trị hoặc can thiệp dinh dưỡng không hiệu quả. Nếu trẻ rơi vào trường hợp chậm cao do thiếu GH, việc thăm khám muộn hoặc điều trị không đúng cách có thể khiến trẻ mất đi "giai đoạn vàng" để có thể cải thiện chiều cao hiệu quả (thường là từ 4-13 tuổi). Do đó, ngay khi phát hiện những bất thường về chiều cao ở trẻ so với biểu đồ theo dõi chiều cao, phụ huynh cần cho trẻ khám sớm để được xác định đúng nguyên nhân. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu GH có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được.

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: "Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm". 

Theo bác sĩ Ngọc Anh, với trẻ chậm cao do thiếu GH, nếu điều trị sớm, có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị sẽ không còn hiệu quả nữa. Vì vậy, tầm soát và điều trị sớm là yếu tố then chốt để cải thiện chiều cao trẻ do thiếu GH.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm