TPHCM: Thị trường vàng mã Rằm tháng 7 đìu hiu vì Covid-19

Phạm Thương
26/08/2020 - 17:48
TPHCM: Thị trường vàng mã Rằm tháng 7 đìu hiu vì Covid-19

Tiểu thương đang bán vàng mã tại chợ Xóm Chiếu (quận 4, TPHCM)

Khác với những năm trước, lượng tiêu thụ mặt hàng vàng mã trong tháng 7 âm lịch tại TPHCM sụt giảm. Nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống than ế ẩm dù ngày Rằm tháng 7 đang cận kề.

Theo quan niệm dân gian, cứ vào rằm tháng 7 (lễ Vu lan) nhiều người lại sắm sửa lễ vật và đi chùa thắp nhang. Cũng trong tháng này còn diễn ra lễ Xá tội vong nhân (hay còn gọi là cúng “cô hồn”). Đi cùng với đó là các mặt hàng vàng mã, trái cây, hương, hoa… thường bán khá chạy. Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng người mua giảm hẳn.

TPHCM: Thị trường vàng mã tháng 7 âm lịch đìu hiu - Ảnh 1.

Lượng người tiêu thụ mặt hàng vàng mã trong tháng 7 âm lịch tại TPHCM sụt giảm.

Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM như: Chợ Xóm Chiếu (quận 4), Chợ Thiếc (quận 11), chợ Phú Lâm (quận 6)… dù đang là dịp cao điểm của mặt hàng vàng mã để cúng rằm tháng 7 nhưng các gian hàng "bán hàng cho cõi âm" vắng chưa từng thấy.

TPHCM: Thị trường vàng mã tháng 7 âm lịch đìu hiu - Ảnh 2.

Nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống tại TPHCM than ế ẩm dù ngày rằm tháng 7 đang cận kề.

Cô Nguyễn Thị Năm, tiểu thương tại Chợ Xóm Chiếu (quận 4), cho biết: “Mọi năm cứ tháng 7 âm lịch là tôi bán rất chạy, càng sát ngày rằm số lượng người mua càng nhiều. Thế nhưng năm nay ế lắm, dịch bệnh nên họ ít đi chợ, ít mua sắm để cúng kính lớn. Nói chung người dân khu vực quanh đây mua vàng mã chủ yếu giấy tờ, tiền, vàng bạc cho người âm chứ ít người đặt mua các đồ đắt tiền như xe hơi, điện thoại’.

TPHCM: Thị trường vàng mã tháng 7 âm lịch đìu hiu - Ảnh 3.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng người mua hàng vàng mã trong tháng 7 âm lịch giảm hẳn.

Cùng chung tâm trạng, chị Phan Thanh, tiểu thương tại Chợ Xóm Chiếu (quận 4) lắc đầu cho biết: “Từ sáng tới giờ tôi bán mới được có 40 nghìn đồng tiền vàng mã, trong khi thuê 2 cái dù tốn mất 30 nghìn đồng. Mọi năm có ngày tôi lời được cả tiền triệu. Năm nay dịch bệnh nên mọi người cũng ít đi chợ và cũng không mua sắm nhiều”.

Những mặt hàng cơ bản như tiền vàng, vàng mã đều có mức giá không thay đổi dao động từ 15-20 nghìn đồng/bịch (người bán thường soạn sẵn), đèn ly 10 nghìn đồng/cặp loại trung, nhà giấy, xe có giá từ 60-80 nghìn đồng tùy kích cỡ, bộ quần áo giấy dao động từ 30 -50 nghìn đồng/bộ.

Các mặt hàng thường nằm trong lễ cúng trong tháng 7 như hoa, trái cây cũng bắt đầu tăng giá nhẹ: Hoa cúc đại dao động từ 50-60 nghìn/bó, hoa cúc nhỏ dao động 15-20 nghìn/cây, cát tường 45-55 nghìn/bó, bưởi da xanh 60-70 nghìn/kg, táo 40-45 nghìn/kg, nho đen Ninh Thuận 70-80 nghìn/kg…

TPHCM: Thị trường vàng mã tháng 7 âm lịch đìu hiu - Ảnh 4.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm quận 3, TPHCM, lượng người đến chùa cũng khá vắng.

Còn tại các chùa trên địa bàn TPHCM, thông thường vào tháng 7 âm lịch, lượng người đi chùa cúng bái và cầu phúc đã bắt đầu đông đúc. Nhưng năm nay, tại các ngôi chùa lớn ở TPHCM như chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), Việt Nam Quốc tự (quận 10)... theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này lượng người đến chùa khá ít. 

TPHCM: Thị trường vàng mã tháng 7 âm lịch đìu hiu - Ảnh 5.

Người vào lễ Phật đều phải đo thân nhiệt kỹ càng.

TPHCM: Thị trường vàng mã tháng 7 âm lịch đìu hiu - Ảnh 6.

Rửa tay sát khuẩn trước khi vào chùa Việt Nam Quốc tự (quận 10, TPHCM).

Các chùa cũng ra thông báo với nội dung để đảm bảo sức khỏe cho từng cá nhân, tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, không làm ảnh hướng đến truyền thống Vu lan- Báo hiếu hàng ngày, chùa cử người đo thân nhiệt cho từng thành viên đến tham dự khóa lễ tụng kinh, hướng dẫn mọi người rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội theo đúng quy định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm