Trách nhiệm hàn gắn nước Mỹ đầy chia rẽ dồn lên vai tân Tổng thống Biden

Nhu Thụy
20/01/2021 - 22:20
Trách nhiệm hàn gắn nước Mỹ đầy chia rẽ dồn lên vai tân Tổng thống Biden
Việc đoàn kết, hàn gắn một nước Mỹ ngày càng chia rẽ là vấn đề mà cử tri Mỹ kỳ vọng vào chính quyền tân Tổng thống Joe Biden.

Lời kêu gọi đoàn kết

Ông Joe Biden nhậm chức vào thời điểm được nhận định là khó khăn nhất đối với một Tổng thống Mỹ. Nước Mỹ hiện đang phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn, thách thức từ đại dịch Covid-19 hoành hành. Số người Mỹ chết vì Covid-19 mỗi ngày nhiều hơn số người tử vong trong cuộc khủng bố 11/9 hay trận chiến Trân Châu Cảng. Một nền kinh tế suy thoái vì đại dịch đang làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội, bất bình đẳng cả về chủng tộc và giới tính. 

Đặc biệt, xung đột sắc tộc, đối kháng chính trị giữa các đảng phái ngày càng gia tăng khiến nước Mỹ bị phân hóa, chia rẽ sâu sắc chưa từng có. Sự chia rẽ chính trị trở nên sâu sắc hơn khi hàng chục nghìn người ủng hộ tổng thống sắp mãn nhiệm tràn vào tòa nhà Quốc hội phản đối và ngăn cản việc thông qua kết quả bầu cử tổng thống. Điều này có nguy cơ sẽ làm suy yếu tính bền vững và sự ổn định của nền chính trị Mỹ hơn 200 năm qua từ ngày lập quốc. Đây có lẽ là thách thức đầu tiên và lớn nhất đang chờ đợi tân Tổng thống Joe Biden trong 4 năm tới.

Biden - hàn gắn nước Mỹ

Tổng thống Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris


Một người dân Mỹ bày tỏ: "Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà ông Biden cần làm là thúc đẩy đoàn kết, hàn gắn một nước Mỹ đang bị chia rẽ. Ông ấy cần mang đến niềm tin cho không chỉ những cử tri đã bỏ phiếu cho ông ấy mà cả những cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Donald Trump".

Khi tuyên thệ nhậm chức, ông Biden sẽ kêu gọi đoàn kết đất nước từ Đồi Capitol, nơi hai tuần trước xảy ra cuộc bạo loạn. Ông Biden và các cộng sự nói rằng họ đã sẵn sàng thực hiện chương trình nghị sự "Nước Mỹ thống nhất" của mình.

Việc Biden có thể thống nhất một đất nước chia rẽ sâu sắc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc ông có xử lý hiệu quả các thách thức chờ đợi ông sau khi nhậm chức. Ông Biden tham vọng có thể giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, tuy nhiên giới quan sát nhận định những chia rẽ, khác biệt về chính sách và hệ tư tưởng giữa hai đảng, thậm chí trong nội bộ đảng, chưa thể xóa bỏ trong một sớm một chiều.

Joe Biden - Người từng mang những "vết sẹo" trong tim sau khi trải qua nhiều đau thương trong suốt cuộc đời - đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để lãnh đạo nước Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn. Khẩu hiệu đoàn kết đã được phát huy trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Biden và giờ đây tổng thống mới cũng đề ra mục tiêu đạt được những bước tiến lớn trong việc hàn gắn đất nước.

Ông Biden sẽ ký 17 sắc lệnh

Ngay sau khi nhậm chức, tân tổng thống sẽ vạch ra chương trình nghị sự và thể hiện tầm nhìn của mình với toàn dân Mỹ và thế giới. Ông Joe Biden dự kiến ký 17 sắc lệnh hành pháp nhằm đặt ra tầm nhìn mới cho nhiệm kỳ tổng thống. Đáng chú ý, các sắc lệnh sẽ đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm. Trong ngày đầu làm việc, ông Biden sẽ ngừng rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tái gia nhập Hiệp định thoả thuận khí hậu Paris, chấm dứt chính sách hạn chế đi lại với người Hồi giáo từ 7 quốc gia và ngừng tài trợ cho việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico.

Ông Biden cũng ban hành lệnh đeo khẩu trang bắt buộc tại các cơ quan liên bang nhằm hạn chế Covid-19 lây lan. Ông còn bổ nhiệm một điều phối viên ứng phó với đại dịch, chuyên giám sát việc phân phối vaccine và vật tư y tế trong Nhà Trắng. Tuần trước, Biden đã kêu gọi quốc hội thông qua gói kích thích 1.900 tỷ USD nhằm khôi phục kinh tế Mỹ, tăng tốc phản ứng với đại dịch. Biden cũng cam kết tiêm chủng vaccine Covid-19 cho 100 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, mục tiêu đầy tham vọng được xem như bài kiểm tra đầu cho nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Biden - hàn gắn nước Mỹ

Ông Biden phát biểu tại lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19

Tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 ngày 19/1, ông Biden chia sẻ: "Để hàn gắn, chúng ta phải nhớ. Đôi khi rất khó nhớ, nhưng đó là cách chúng ta chữa lành vết thương lòng. Điều quan trọng là làm điều đó với tư cách là một quốc gia. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây hôm nay. Giữa hoàng hôn và bóng tối, chúng ta hãy chiếu sáng những bóng đèn trong bóng tối dọc theo hồ phản chiếu thiêng liêng này và tưởng nhớ tất cả những người chúng ta đã mất."

Ngoài ra, ông Biden đang lên kế hoạch để gửi một dự luật cho Quốc hội. Qua đó, ông muốn trì hoãn việc trục xuất và sửa đổi chính sách nhập cư để trao cơ hội trở thành công dân cho hàng triệu người di cư bất hợp pháp ở Mỹ. Với gần 50 năm gắn bó với chính trị, nhiều người cho rằng danh tiếng và kinh nghiệm của ông có thể giúp ích cho Biden trong việc quản lý đất nước và thúc đẩy các chính sách. "Nếu ông Biden có thể giúp nước Mỹ vượt qua giai đoạn 6 tháng tới thì uy tín chính trị của ông ấy có thể gia tăng rất lớn", ông Julian Zelizer - Giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Princeton nhận xét.

Nguồn: NYT, Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm