Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ

Đông Hà
21/01/2023 - 10:52
Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ
Sữa ngựa có mặt trong rất nhiều món ăn truyền thống của người Mông Cổ.

Giống một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam, Mông Cổ cũng có Tết cổ truyền riêng, với tên gọi là Tsagaan Sar. Điều khác biệt là lễ hội này được tổ chức theo lịch âm của người Mông Cổ và thông thường diễn ra vào tháng Hai hằng năm. Năm nay, Tsagaan Sar rơi vào ngày 21/2.

Tsagaan Sar nghĩa là Bạch Nguyệt, hay Trăng Sáng. Đây là dịp lễ quan trọng nhất của người Mông Cổ, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông dài khắc nghiệt và sự bắt đầu mùa xuân tươi mới. Là dân du mục và thường phải chăn thả gia súc, sinh sống trên những bãi cỏ bạt ngàn, người Mông Cổ rất hiếm khi có dịp tụ tập đầy đủ họ hàng. Thậm chí nhiều năm trời không gặp gỡ được đại gia đình.

Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ để thấy khác biệt với Tết truyền thống châu Á ra sao - Ảnh 1.

Do người dân có đời sống du mục nên dịp cả đại gia đình cùng tụ họp là rất hiếm hoi

Tsagaan Sar vì thế được sinh ra để khuyến khích mọi người về thăm họ hàng, củng cố tình thân. Và dẫu có chút khác biệt so với Hàn, Việt Nam hay Trung Quốc, dịp lễ vẫn này mang đầy đủ nét đẹp, quan niệm, và nghi thức tập quán đặc trưng nhất của Tết truyền thống châu Á.

Nguồn gốc Tsagaan Sar

Người Mông Cổ tổ chức lễ hội Tsagaan Sar vào mùa thu kể từ khi thành lập nhà nước, tên gọi ban đầu là Tsagaan Ideenii Bayar (Lễ Đại Tiệc Trắng). Đúng như tên gọi, người ta ăn mừng ngày lễ bằng cách vận đồ trắng, cưỡi ngựa trắng, thưởng thức món ăn màu trắng làm từ sữa, trao gửi những món quà màu trắng. Màu trắng là biểu tượng của sự chân thành và hạnh phúc ở Mông Cổ. Sau đó vào năm 1206, Thành Cát Tư Hãn chuyển sang tổ chức lễ hội vào mùa xuân, khi thời tiết đã ấm hơn, cây cối ra hoa và các loài gia súc bắt đầu sinh sôi.

Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ để thấy khác biệt với Tết truyền thống châu Á ra sao - Ảnh 2.

Vào thế kỷ 17, Tsagaan Sar được kết hợp thêm với một số ý nghĩa tôn giáo, từ đó trở thành lễ Bạch Nguyệt như đã biết ngày nay. Ngày nghỉ lễ chính thức thường kéo dài ba ngày, còn các hoạt động lễ và hỏi thăm sức khỏe đôi khi sẽ lâu hơn, có thể lên đến hai tuần.

Chuẩn bị trước ngày lễ

Có rất nhiều thứ cần chuẩn bị trước ngày Tsagaan Sar, bắt đầu từ thức ăn, bánh ngọt truyền thống cho đến quà tặng và quần áo. Thông thường, các gia đình dành hàng tuần, thậm chí một tháng để chuẩn bị. 

Trong các món ăn, buuz là món cần đầu tư nhiều nhất. Buuz là món bánh bao hấp nhân thịt kiểu Mông Cổ, thường được phục vụ trong các lễ hội lớn. Buuz dễ làm, dễ nấu, chỉ mất 20 phút hấp là có thành phẩm. Thế nhưng các gia đình có thể cần làm vài trăm đến vài nghìn bánh buuz, tùy vào kích cỡ gia đình và số lượng khách muốn chiêu đãi. Các gia đình sẽ cùng nhau ngồi làm bánh, đôi khi âm thầm đặt vài đồng xu trong bánh và theo quan niệm thì người nào chọn trúng chiếc bánh chứa đồng xu sẽ gặt hái may mắn trong năm tới.

Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ để thấy khác biệt với Tết truyền thống châu Á ra sao - Ảnh 3.

Buuz là món bánh bao hấp nhân thịt kiểu Mông Cổ

Trang phục truyền thống của người Mông Cổ có tên là deel và đã được mặc vào dịp đặc biệt trong nhiều thế kỷ. Có một thời gian người dân chuyển sang đồ phương Tây để tiện vận động, di chuyển. Nhưng khi các thương hiệu trong nước bắt đầu cách tân, thêm những đường nét chấm phá mới cho đồ deel thì người dân lại quay về với trang phục truyền thống.

Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ để thấy khác biệt với Tết truyền thống châu Á ra sao - Ảnh 4.

Người Mông Cổ trong trang phục truyền thống

Bituun, đêm trước ngày Tsagaan Sar

Ngày trước ngày Tsagaan Sar được gọi là Bituun (nghĩa là “Mới” hoặc “Trăng Tối”). Theo phong tục, người ta sẽ dọn dẹp và chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trong lễ Bituun, bày biện bữa ăn thịnh soạn, với thịt cừu, bánh kẹo truyền thống, đồ uống làm từ sữa ngựa, cơm nấu bằng sữa đông, bánh bao hấp… Họ sẽ ăn đến lúc no căng bụng, bởi để bụng đói trước thềm năm mới là kiêng kỵ. Chuẩn bị càng nhiều đồ ăn thì năm mới càng sung túc.

Mông Cổ có một loài bánh ngọt dài truyền thống tên là ul boov. Họ xếp bánh ngọt theo các tầng, số tầng là số lẻ. Tầng đầu đại diện cho hạnh phúc, tầng hai là đau khổ, luân phiên nhau như vậy và cho đến khi kết thúc là tầng hạnh phúc. Tầng bánh gửi gắm ước giản dị: sự bắt đầu và kết thúc của con người đều diễn ra trong hạnh phúc.

Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ để thấy khác biệt với Tết truyền thống châu Á ra sao - Ảnh 5.

Bánh ngọt ul boov được xếp gọn thành các tầng bánh

Bên cạnh bánh ngọt ul boov thì một phần rất quan trọng khác là phần lưng cừu, bao gồm cả đuôi, phần này được gọi chung là uuts. Da và đuôi phần uuts càng to béo thì gia chủ càng sung túc. Vào đêm giao thừa, gia chủ cắt một phần miếng uuts để dâng thần lửa, sau đó mới chia cho cả nhà ăn.

Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ để thấy khác biệt với Tết truyền thống châu Á ra sao - Ảnh 6.

Bánh ngọt ul boov đặt cạnh phần lưng cừu

Ngày Tết Mông Cổ nhìn chung có nhiều điểm tương đồng với Tết Nguyên đán của Việt Nam và Tết Âm lịch của châu Á nói chung, trước ngày Tết, người ta cố gắng trả lại đồ đã mượn, xin lỗi hoặc chấm dứt hiềm khích với người khác. Những điều cấm kỵ trong ngày nay có thể kể đến như: không đổ nước bẩn ra ngoài, không gọi tên trẻ sơ sinh, không đi chơi qua đêm hoặc cãi nhau.

Nếu như Trung Quốc hay Việt Nam nổi tiếng với hình tượng Ông Táo thì Mông Cổ lại thờ một vị thần tên là Baldanlkham. Vị thần này cưỡi một con la vào đêm giao thừa. Người dân đặt ba cục đá viên trên bậu cửa hoặc trên ban công để khi đá tan ra thì con la có nước uống.

Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ để thấy khác biệt với Tết truyền thống châu Á ra sao - Ảnh 7.

Hình ảnh vị thần Baldanlkham

Ngày mùng một Tsagaan Sar

Mọi người trong nhà sẽ dậy thật sớm, chuẩn bị sẵn lời chúc cho người lớn tuổi hoặc chủ nhà. Vài người đàn ông sẽ leo lên đỉnh núi cao để đón ánh bình minh năm mới. Phụ nữ đun trà sữa và cúng bái rồi làm đồ ăn cho cả nhà. Món ăn đầu tiên trong ngày là tsagaalga, một món hỗn hợp từ nhiều thành phiền, gồm cơm nấu chín trộn với nho khô, đường và bơ hoặc cơm với sữa đông. Thay vì uống rượu, họ uống một thức uống làm từ sữa ngựa lên men. Dường như “nguyên tố” không thể thiếu trong tất cả các món ăn của người Mông Cổ là sữa.

Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ để thấy khác biệt với Tết truyền thống châu Á ra sao - Ảnh 8.

Nghi thức chào hỏi có tên zolgolt của người Mông Cổ là một nét đẹp văn hóa đặc trưng. Người trẻ sẽ chào cha mẹ, ông bà bằng cách đặt tay dưới khuỷu tay của người lớn tuổi, với ngụ ý tiếp thêm năng lượng cho họ. Tuy vậy, vợ chồng không cần thực hiện nghi thức này vì cả hai được coi là một thể thống nhất, nếu thực hiện zolgolt thì bất hòa sẽ xảy đến.

Trải nghiệm Tết cổ truyền đặc sắc ở Mông Cổ để thấy khác biệt với Tết truyền thống châu Á ra sao - Ảnh 9.

Nghi thức chào hỏi đặc trưng

Sau đó mọi người tụ họp tại nhà của thành viên lớn tuổi trong dòng họ, chào hỏi nhau theo thứ tự thâm niên trong gia phả, tặng đồ màu trắng hoặc lì xì tiền mặt. Trước khi khách rời đi, chủ nhà thường biếu vài món quà nhỏ, như kẹo, quần áo, đồ gia dụng, tất. Món quà là lễ vật trao gửi tình cảm thương mến và sự trân trọng.

Người Mông Cổ cũng tin rằng hành động và thái độ trong ngày Tsagaan Sar sẽ quyết định năng lượng trong năm. Thế nên việc cự cãi, ăn uống chè chén, tiêu xài hoang phí đều là hoạt động cần tránh. Một số điều kiêng kỵ khác trong ngày Tsagaan Sar có thể kể đến như:

- Không mặc đồ màu đen.

- Không cắt tóc.

- Không khâu quần áo cũ.

- Không ngủ trưa hoặc nằm dài trên giường vào ban ngày.

- Tiếp đón khách ngay cả khi bạn thấy không khỏe trong người.

Kết thúc ngày Tsagaan Sar, người dân Mông Cổ trở lại với cuộc sống thường nhật, họ mong những gì diễn ra trong năm tới sẽ đẹp đẽ, thuần khiết và sáng rực như chính cái tên của của ngày lễ: Bạch Nguyệt.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm