Với nhiều bé gái Mông Cổ, uốn dẻo không đơn thuần là sở thích mà còn là cánh cửa mở ra cơ hội nghề nghiệp. Để có tấm vé tương lai đó, các em phải đánh đổi bằng nước mắt, thời gian khổ luyện 3-4 tiếng một ngày.
Với nhiều người Mông Cổ, uốn dẻo không đơn thuần là sở thích mà còn là tấm vé cho tương lai khi nhu cầu đối với nghệ sĩ uốn dẻo để trình diễn tại các sân khấu trong nước luôn cao. Nếu may mắn họ có thể nổi danh trên đấu trường quốc tế. Đó cũng là lý do khiến Suvd-Erdene và hơn 1 chục bé gái khác hàng ngày vẫn khổ luyện trong lớp học uốn dẻo ở Thủ đô Ulan Bator với hy vọng trở thành một nghệ sĩ uốn dẻo.Urangoo, cô giáo của Suvd-Erdene, từng là một nghệ sĩ uốn dẻo tham gia biểu diễn ở nước ngoài. Sau một lần bị chấn thương trong khi biểu diễn, Urangoo đã phải chấm dứt sự nghiệp biểu diễn của mình ở tuổi 12 và chuyển sang dạy uốn dẻo cho trẻ để mưu sinh.Đối với người Mông Cổ, uốn dẻo là một môn nghệ thuật truyền thống có từ thế kỷ thứ 13, ghi dấu ấn của phụ nữ khi các nghệ sĩ biểu diễn thường là nữ. Từ cuối những năm 1970, Mông Cổ đã trở thành cái nôi của nghệ thuật uốn dẻo với nhiều nghệ sĩ nổi danh khắp thế giới. Đối với cô bé Shinezul, bạn học của Suvd-Erdene, việc trở thành một nghệ sĩ uốn dẻo còn là cách thể hiện niềm tự hào dân tộc. “Giấc mơ của nhiều người dân Mông Cổ là được giới thiệu văn hóa và nghệ thuật dân tộc ra thế giới. Đó là lý do cháu muốn trở thành nghệ sĩ uốn dẻo giỏi nhất thế giới”, Shinezul nói.