pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trái ngược xu hướng giảm, một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi
Ảnh minh họa: VNE
Trái ngược với xu hướng giảm lãi suất tiền gửi thì ngay trong những ngày đầu năm mới, một số ngân hàng cổ phần lại nâng lãi suất tại một số kỳ hạn nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung, lãi suất vẫn đang trong xu hướng giảm.
Theo thống kê, đã có 3 ngân hàng là Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (BVBank) nâng lãi suất so với giai đoạn đầu tháng Hai từ 0,1-0,2 điểm %.
Cụ thể, Techcombank đã tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lên 2,35%/năm và 2,75%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 3,3%/năm tại quầy và trực tuyến cao nhất 3,5%/năm, tăng 0,2% điểm%. Lãi suất niêm yết cao nhất tại Techcombank là 5%/năm dành cho khách hàng gửi tối thiểu 3 tỷ đồng kỳ hạn từ 12 tháng.
Sacombank cũng đã nâng lãi suất kỳ hạn 3 tháng thêm 0,1 điểm %, lên mức 2,7%/năm, trong khi Bản Việt lại tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài như 24 tháng và 36 tháng thêm lần lượt 0,1 điểm % và 0,2 điểm %, đạt 5,7%/năm và 5,9%/năm.
Trong khi đó, ngày 27/2, 3 ngân hàng lần đầu tiên giảm lãi suất trong tháng Hai là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Cụ thể, VPBank giảm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn tiền gửi với mức giảm sâu từ 0,3 điểm % đến 0,5 điểm %. Cụ thể lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,3 điểm %, về mức 2,8%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn 3-5 tháng sau khi được điều chỉnh giảm mạnh 0,5 điểm %.
Mức lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 6-11 tháng được VPBank điều chỉnh giảm 0,1 điểm %, xuống còn 4,3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng giảm mạnh 0,4 điểm % xuống còn 4,6%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất đối với tiền gửi trực tuyến dưới 1 tỷ đồng tại VPBank hiện thuộc về kỳ hạn 24-36 tháng, tương đương mức 4,7%/năm sau khi giảm 0,3 điểm % so với trước đó.
Tuy nhiên VPBank có chính sách cộng thêm lãi suất lần lượt 0,1% - 0,2% - 0,3%/năm đối với tài khoản tiền gửi từ 1 đến dưới 10 tỷ đồng, từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và từ 50 tỷ đồng trở lên.
Còn theo biểu lãi suất huy động trực tuyến vừa được VietBank cập nhật, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm từ 0,2-0,4 điểm % tại các kỳ hạn tiền gửi từ 1-11 tháng. Trong đó đáng chú ý lãi suất các kỳ hạn từ 6-11 tháng đều được đưa về dưới 5%/năm.
Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng giảm mạnh 0,4 điểm %, lần lượt còn 3,1% và 3,4%/năm.
Lãi suất huy động các kỳ hạn 3-5 năm giảm 0,2 điểm %, lần lượt còn 3,5% - 3,6% - 3,7%/năm.
VietBank giảm 0,3 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng xuống còn 4,6%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng kỳ hạn 7-8 tháng giảm 0,2 điểm %, xuống còn 4,7%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 9-10 tháng cũng giảm mức tương tự xuống còn 4,8%/năm, trong khi kỳ hạn 11 tháng giảm 0,1 điểm % xuống 4,9%/năm.
Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn còn lại được VietBank giữ nguyên. Kỳ hạn 12-14 tháng có lãi suất 5,3%/năm; kỳ hạn 15-17 tháng 5,7%/năm; kỳ hạn 18-36 tháng là 5,8%/năm.
Cùng giảm lãi suất tiết kiệm hôm nay còn có Eximbank điều chỉnh giảm 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng, xuống còn 3,9%/năm. Đây là lần thứ 3 trong tháng này Eximbank giảm lãi suất huy động. Mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng là 5,2%/năm, dành cho kỳ hạn từ 24 đến 36 tháng.
Trong khi đó, đa số các ngân hàng còn lại tiếp tục điều chỉnh giảm hoặc giữ nguyên lãi suất huy động. Nhóm Big4 hiện vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất.
Lãi suất huy động thấp chưa từng có là hệ quả của việc giới nhà băng "thừa tiền trong kho". Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng Một giảm 0,6% so với đầu năm 2023. Trong đó, mức giảm ở 5/9 nhóm tổ chức tín dụng: Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,88%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,51%, nhóm ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu giảm 2,22%, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%, nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.
Các chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024.