pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trải qua "thực chiến", tôi mới thấm quan điểm kinh doanh bền vững chính là kinh doanh tử tế
Dịch vụ có "chất" và cá tính riêng
Doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhiều, nhưng doanh nghiệp "đóng cửa" cũng không ít, tình trạng trạng các doanh nghiệp "bỏ" kinh doanh mà Tổng Cục Thống kê "kiểm đếm" hàng tháng khiến nhiều người lo ngại. Thạc sỹ Quản trị và Marketing Nông Thị Hồng Lam (Nhà sáng lập Sense Plus, thương hiệu chuyên về các sản phẩm làm đẹp từ dừa), người đã có 10 năm kinh doanh cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự rời bỏ hay tạm rời bỏ thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời điểm hiện tại.
Trong đó, nguyên nhân khách quan phải kể đến, khi dịch bệnh đi qua, xung đột khởi phát, và lạm phát xuất hiện... dẫn đến các biến động bất ổn không ngừng của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều đó đã khiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã mỏng về nhân lực, hạn chế về tài lực cũng như đối mặt với tiêu dùng suy yếu đã phải chấp nhận đóng cửa hoặc tạm đóng cửa để bảo toàn nguồn lực, chậm lại để tái cơ cấu hoặc xoay chuyển linh động để chờ thời cho một chuyến đi dài hơi hơn sau khi thị trường phục hồi. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân chung, có khá nhiều lý do để một doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại dù bắt đầu bằng rất nhiều ý tưởng hay và "sự tử tế".
"Tôi cũng tự hỏi liệu họ có đặt một bài toán tham vọng quá lớn vượt quá nguồn lực nội tại mà bản thân và doanh nghiệp họ đang có để tiến tới "làm giàu nhanh" thay vì "làm giàu chậm" hay không? Cũng như liệu họ có đang bị bận rộn nhìn quanh xem đối thủ đang làm gì, bán gì,… mà bỏ quên việc nhìn vào nội tại chính mình: "Doanh nghiệp mình cần làm gì để tạo ra một sản phẩm, dịch vụ có "chất", có cá tính riêng và để giải quyết được điều gì trong xã hội hiện tại. Có lẽ sự bứt phá thường đến từ việc tìm ra được giải pháp đơn giản nhất trong những thứ phức tạp nhất", chị Hồng Lam nhấn mạnh.
Sự tử tế trong kinh doanh
Chia sẻ sâu thêm về vấn đề này, chị Hồng Lam cho biết: "Cách đây hơn 10 năm khi tham gia chương trình thạc sỹ tại Anh, tôi đã được tiếp cận về yếu tố "kinh doanh bền vững" (Sustainability) và đây cũng là một khái niệm được các giáo sư nhấn mạnh và lặp đi lặp lại khá nhiều. Tuy nhiên, trải qua "thực chiến" tôi mới hiểu được ngày càng sâu sắc hơn sự quan trọng của việc kinh doanh bền vững trong thời đại phát triển như ngày nay. Cá nhân tôi, quan điểm về kinh doanh bền vững là quan điểm về sự 'kinh doanh tử tế".
Và theo góc nhìn về sự tử tế trong kinh doanh của chị Hồng Lam thì cần các yếu tố: Đam mê và chính trực với sản phẩm, dịch vụ, định hướng mình kinh doanh. Đối xử chân thành với đồng đội trong công ty. Giữ chữ tín và tôn trọng đối tác. Học hỏi không ngừng từ cả điểm tốt và điểm chưa tốt của các đối thủ cạnh tranh. Tạo ra được 1 giá trị gì đó cho xã hội, mà cụ thể ở đây là cho thương hiệu hàng Việt Nam.
Theo kinh nghiệm của Nhà sáng lập thương hiệu Sense Plus, khi bắt đầu với bất kỳ dự án nào cần nắm rõ một số nguyên tắc: Nếu mất, tôi hay bạn chấp nhận mất bao nhiêu phần trăm nguồn lực cho sự đầu tư này? "Tiền - Mối quan hệ - Kinh nghiệm" trong lĩnh vực tôi hay bạn chuẩn bị đầu tư có đủ cạnh tranh để tạo ra một xác suất chiến thắng đủ lớn?
Với kinh nghiệm cá nhân của một người khởi nghiệp với số vốn rất khiêm tốn, nhân lực rất mỏng và phải lăn lộn từ mọi khâu từ sản xuất, kế toán, thiết kế, bán hàng… nhà sáng lập thương hiệu Sense Plus thấy điều đáng mừng nhất đó là nhờ biết bản thân mình ở đâu để đặt kỳ vọng và mục tiêu phù hợp với những gì bản thân đang có. Nghiêm túc học hỏi từ đối tác và bạn hàng, không ngừng thay đổi và khắc phục những thiếu sót của bản thân trong lĩnh vực mình theo đuổi.
"Nếu bạn đam mê khởi nghiệp với những xuất phát điểm rất nhỏ, tôi mong muốn chia sẻ 3 điều sau: Đầu tiên luôn duy trì sự "tập trung" để không bị mọi khó khăn làm bạn suy chuyển gục ngã; luôn duy trì và cải thiện sự tốt đẹp trong con người bạn để làm việc một cách hạnh phúc; và cuối cùng, "tài chính" là một môn học không chỉ dành cho người làm nghề tài chính hay kế toán!", chị Hồng Lam chia sẻ thêm.