Trái tim ấm áp và cái đầu tỉnh táo của người sáng lập "Nhà chống lũ" Jang Kều

Trần Lê (thực hiện)
27/02/2021 - 09:43
Trái tim ấm áp và cái đầu tỉnh táo của người sáng lập "Nhà chống lũ" Jang Kều

Chị Phạm Thị Hương Giang và hộ gia đình trong một ngôi nhà chống lũ

Nhà sáng lập Quỹ Sống và dự án "Nhà chống lũ" Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) chia sẻ cùng PNVN về hoạt động thiện nguyện và những điều chị ấp ủ thực hiện trong năm 2021.

+ Cái tên Jang Kều đã trở thành "thương hiệu" thân thuộc của dự án "Nhà chống lũ". Vậy còn điều gì mọi người chưa được biết về chị và "Nhà chống lũ"?

Hầu hết mọi người còn chưa biết rõ, Nhà chống lũ bây giờ không còn là một dự án đơn lẻ mà là một chương trình hành động vì "cộng đồng bền vững" bao gồm 2 dự án Nhà an toàn và Làng hạnh phúc. Trong đó, Làng hạnh phúc là một dự án nâng cao hơn, đi vào chiều sâu, không chỉ hướng đến giá trị an toàn mà còn là những giá trị bền vững, giúp một cộng đồng để phục hồi sự kết nối của họ với nhau, kết nối với thiên nhiên và gìn giữ những giá trị văn hóa của mình.

Người sáng lập dự án “Nhà chống lũ”:Làm thiện nguyện, ngoài trái tim phải có cái đầu tỉnh táo - Ảnh 1.

Nhà sáng lập Quỹ Sống và dự án "Nhà chống lũ" Phạm Thị Hương Giang

Sau 7 năm đồng hành cùng bà con vùng lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Hậu Giang..., Nhà chống lũ đã có 10 mô hình nhà thuộc các nhóm: Nhà kê nền thấp, nhà hai gác và nhà phao,... với kết cấu vững chãi, phù hợp với địa hình và các loại thiên tai khác nhau, đảm bảo an toàn, với mức chi phí tiết kiệm.

Còn cá nhân tôi, mọi người biết tôi là nhà hoạt động xã hội, là doanh nhân, là người yêu nghệ thuật, là người yêu thiên nhiên... Tuy nhiên, có một ước mơ lớn của tôi là được trở thành một người nông dân đúng nghĩa, ngày ngày chăm sóc mảnh vườn, thửa ruộng của mình, nuôi gia súc gia cầm. Tôi muốn và đang chuẩn bị cho mình một cuộc sống như thế.

Của cho không bằng cách cho

+ Chị từng chia sẻ "Nhà chống lũ" chỉ có thể làm mỗi năm 100-200 căn. Trong khi đó, nhu cầu của bà con rất lớn. Trong kế hoạch năm 2021 và những năm tiếp theo của dự án, chị có dự định phát triển rộng hơn, để có thêm nhiều mái nhà an toàn cho bà con trong mùa lũ không?

Tôi phát triển chương trình Nhà chống lũ và cả Quỹ Sống không phải theo phương thức từ thiện. Chúng tôi làm phát triển cộng đồng, trong đó người nhận phải là người chủ động thiết kế (co-design), đóng góp (co-financing) và xây ngôi nhà của mình (co-construction). Chính nhờ có sự "chung tay" đó mà đến nay chúng ta đã có 799 hộ gia đình không những tự tin vượt qua bão lũ mà còn sẵn sàng giúp những người hàng xóm của mình. Tôi luôn sẵn sàng tặng Cẩm nang 10 mô hình nhà an toàn của chúng tôi và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật miễn phí để các đơn vị khác có thể tự triển khai. Tôi quan niệm rằng thay vì Nhà chống lũ xây tăng lên 200, 250 hay 300 căn nhà/năm, chúng tôi mong có 10, 20 hay hàng trăm nhóm Nhà chống lũ cùng đi xây nhà.

Làm thiện nguyện đúng cách là khi chúng ta cho đi bằng tình yêu thương và cả khối óc của mình. Nếu những người cho đi chấp nhận vất vả hơn, bỏ cái tâm của mình nhiều hơn thì sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực. Khi đó, chúng ta sẽ suy nghĩ về cách cho đi làm sao để sự nhận có thể làm cuộc đời người ta tốt lên. Chúng tôi không tặng nhà tình thương, chúng tôi chỉ hỗ trợ để người dân tự vươn lên, chúng tôi muốn phát triển cộng đồng, muốn sự đổi thay cả cách cho và cách nhận.

+ Theo chị, điều gì là trở ngại lớn nhất với chị em phụ nữ nói chung và với riêng chị, khi đi thực hiện các dự án thiện nguyện?

Thật ra, trong suốt 20 năm liên tục làm các hoạt động thiện nguyện, tôi thấy khoảng 70% người tham gia đều là phụ nữ. Và cũng khoảng tỷ lệ 70-75% những người hưởng lợi đứng ra trực tiếp lo toan chuyện xây nhà là phụ nữ. Lúc đầu, tôi bất ngờ lắm, nhưng rồi tôi hiểu hơn về sức mạnh của những người phụ nữ Việt. Họ bền bỉ, kiên gan, chăm chỉ và nỗ lực hết sức cho gia đình, họ dễ rung động hơn và sẵn sàng hy sinh hơn cho những điều nhân văn. Thật ra phụ nữ và nam giới cũng không có những khác biệt quá lớn về mặt công việc trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, phụ nữ Việt vẫn thường phải lo chăm sóc con cái bên cạnh công việc công sở của mình, nên họ bận rộn hơn, nhiều trách nhiệm hơn. Như vậy, cái khó khăn chung của tôi và những người phụ nữ hay làm thiện nguyện nói chung là thời gian eo hẹp hơn vì vẫn phải chu toàn cho con cái và gia đình mình.

Trái tim ấm áp và cái đầu tỉnh táo của người sáng lập "Nhà chống lũ" Jang Kều - Ảnh 2.

Mẫu thiết kế nhà phao chống lũ

+ Những cá nhân, tổ chức làm thiện nguyện thường không tránh khỏi điều tiếng, thị phi. Quan điểm của chị về vấn đề này? Thử đặt ví dụ, nếu rơi vào hoàn cảnh đó, chị sẽ xử lý ra sao?

Tôi luôn khảo sát cẩn thận, có kế hoạch cụ thể rồi mới triển khai gây quỹ. Làm thiện nguyện, ngoài trái tim phải có cái đầu tỉnh táo. Xã hội luôn có nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau, nên mình phải thận trọng như thế không chỉ vì bảo vệ uy tín cá nhân, mà còn để bảo vệ sự nghiệp thiện nguyện của cả nhóm cộng đồng.

Rất nhiều người khi đi làm thiện nguyện còn tự phát, chỉ bằng trái tim thôi. Họ thấy đồng bào gặp khó thì chạy tới giúp đỡ nhưng thiện nguyện không bao giờ là chuyện đơn giản như thế. Vì mình sẽ không thể xác định rõ ràng ngay được là người ta sẽ ủng hộ mình tới mức nào, mình sẽ phải gánh trách nhiệm tới đâu. Cho nên phải lên kế hoạch sẵn, chứ đừng thiện nguyện theo kiểu cứ gây quỹ, để khi họ ủng hộ xong, ôm một số tiền lớn mới nghĩ cách làm sao tiêu cho hết số tiền ấy.

Quan điểm của tôi là không ai giỏi hết mọi việc. Tôi rất mong muốn làm ra một bản đồ thiện nguyện. Khi đó, mỗi nhóm tham gia sẽ có đầy đủ thông tin của các nhóm cùng làm thiện nguyện ở trên khắp đất nước Việt Nam. Mọi người có thể chia sẻ, kết nối với nhau. Từ đó sẽ tránh được việc đi thiện nguyện chồng lấn, lặp lại những việc nhóm khác đã làm. Cũng sẽ tránh tình huống có người được cứu trợ quá nhiều, có người lại không nhận được gì hoặc nhận được quá ít. Vậy thì mọi người có thể kết nối với nhau.

+ Chị có thể gửi lời chúc năm mới tới những người phụ nữ Việt Nam!

Tôi mong và chúc rằng, tất cả những người phụ nữ Việt Nam đều được tự do, tự do học hành, tự do làm điều mình muốn và đừng bao giờ tự đặt ra những rào cản cho chính mình. Và vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội là gắn kết. Để làm được điều đó, chúng ta phải có tri thức, có sự tự do, có sự nhạy cảm và bền bỉ. Hãy luôn cố gắng để mình có những tài sản quan trọng đó, để gắn kết, để sẵn sàng cho hôm nay và ngày mai.

+ Xin cảm ơn chị!

Chị Phạm Thị Hương Giang sáng lập Quỹ Sống gồm 3 chương trình. Chương trình 1 hướng về Cộng đồng Bền vững mang tên "Nhà chống lũ" (bao gồm 2 dự án Nhà an toàn và Làng hạnh phúc). Chương trình 2: "Hạnh Phúc Xanh" hướng về Môi trường Bền vững bao gồm các dự án "Trồng Một Cây", "Công viên Hạnh Phúc Xanh" và "Forest Symphony". Chương trình thứ 3 là Con người Bền vững mang tên "River Ơi" với các hoạt động toạ đàm, talkshow, workshop, training, tập huấn, chia sẻ kiến thức trong cộng đồng. Trong đó, "Forest Symphony" - "Giao hưởng Rừng xanh" là một dự án đặc biệt vừa chính thức được triển khai.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm