pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trầm cảm sau sinh: Khái niệm còn xa lạ ở vùng sâu, vùng xa
Ảnh minh họa
Như PNVN đã đưa tin, sáng 5/2/2022, tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) xảy ra vụ việc đau lòng khi bé trai 2 tháng tuổi được gia đình phát hiện tử vong với nhiều vết thương trên cơ thể. Lực lượng chức năng đến khám nghiệm hiện trường và tìm thấy người mẹ đang trong trạng thái hoảng loạn ở khu vực bờ sông gần nhà. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người mẹ bị trầm cảm sau sinh nên có thể đã dùng dao sát hại con trai mới khoảng 2 tháng tuổi của mình.
Cũng trong ngày 5/2, một người phụ nữ ở quận Bình Tân, TPHCM, được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ. Con gái 7 tháng tuổi của chị tử vong trong máy giặt. Qua lấy lời khai các nhân chứng thì người phụ nữ này từng có biểu hiện trầm cảm trước khi xảy ra sự việc đau lòng. Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng nghi ngờ người mẹ trầm cảm sau sinh nên có thể đã sát hại con mình rồi tự tử.
Thời gian qua, có không ít vụ việc mẹ sát hại con mới đẻ vì mắc chứng trầm cảm sau sinh. Trên nhiều diễn đàn, các chuyên gia đã đề cập đến vấn đề này. Các nguyên nhân, giải pháp đều đã được các chuyên gia mổ xẻ, đưa ra. Tuy nhiên, trầm cảm sau sinh vẫn là vấn đề chưa được quan tâm một cách thực sự. Ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì thuật ngữ "trầm cảm sau sinh" còn rất ít được nhắc tới, thậm chí là chưa có trong khái niệm. Như vụ việc xảy ra tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trong ngày mùng 5/2 vừa qua, nhiều người dân địa phương đã bày tỏ sự phẫn nộ về hành vi của người mẹ. Không ít người cảm thấy lạ khi nguyên nhân ban đầu được xác định là do người mẹ bị trầm cảm sau sinh.
Nguy cơ mắc bệnh cao hơn trong đại dịch
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), ông từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị trầm cảm sau sinh. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ mắc chứng bệnh này của phụ nữ càng cao hơn do cuộc sống căng thẳng, kinh tế khó khăn. Bác sĩ Hiển cho biết, hiện nay, vấn đề trầm cảm sau sinh đã được quan tâm hơn ở khu vực thành thị. Nhiều người đã chủ động tìm đến bác sĩ khi có dấu hiệu trầm cảm để xin tư vấn. Nhưng có không ít trường hợp được người nhà đưa đến điều trị khi đã rơi vào trầm cảm nặng sau sinh. Càng ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ càng có nguy cơ bị rối nhiễu tâm lý khi mang thai hoặc trầm cảm sau sinh do chế độ dinh dưỡng kém, thiếu vi chất. Tuy nhiên, các dự án chăm sóc sức khỏe sinh sản còn ít đề cập đến vấn đề này.
Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh có thể là do ở giai đoạn này, phụ nữ có sự thay đổi mạnh về hormone và tình trạng sức khỏe chưa phục hồi. Thêm vào đó, trong 1-2 tháng đầu sau sinh, người mẹ thường phải thức để chăm con nhỏ, dễ bị rối loạn giấc ngủ, dẫn tới mệt mỏi, bực bội, cáu gắt và dễ tủi thân. Trong tình trạng đó, nếu người mẹ thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, người thân, họ càng dễ rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực, thậm chí không làm chủ được bản thân, không kiểm soát được lời nói của mình, dễ nổi nóng với người khác. Tình trạng trầm cảm nặng có thể gây ra những thương tích cho mình, thậm chí sát hại con như những vụ việc từng xảy ra.
Bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cho biết, trầm cảm sau sinh là do phụ nữ sau khi sinh có sự thay đổi đột ngột của các loại hormone như mất đi hormone nhau thai HCG. Ngoài ra, quá trình tiết sữa cũng khiến cơ thể bị giảm đột ngột estrogen và progestrogen... Đặc biệt, sự giảm mạnh hormone tuyến giáp gây cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
Đừng nghĩ vợ đang "làm mình làm mẩy"
Đó là khuyến cáo của các chuyên gia đối với các ông chồng khi vợ có biểu hiện bất thường sau sinh. Từ thực tế thăm khám, tư vấn, điều trị các trường hợp có biểu hiện trầm cảm sau sinh, PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần Trung ương 1, đã đề cập đến trách nhiệm và thái độ của người chồng. Theo PGS.TS Tô Thanh Phương, trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm nhưng lại chưa được coi trọng. Ông đã từng được 1 phụ nữ mới sinh gọi điện thoại cầu cứu vì luôn ám ảnh ý nghĩ muốn ôm con nhảy lầu. Nhiều lần khác, ông tư vấn cho phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm sau sinh.
Khi đem câu chuyện này trao đổi lại với chồng của người phụ nữ đó thì anh ta lại gạt phắt đi, cho rằng vợ mình chỉ "nghĩ vớ vẩn", không có bệnh tật gì. Có trường hợp, người chồng lại đánh giá rằng vợ đang "làm mình làm mẩy", nghĩ "mỗi mình biết sinh con không bằng" và bỏ ngoài tai những khuyến cáo của bác sĩ. Những trường hợp đó may mắn là chưa để lại hậu quả đáng tiếc bởi người mẹ đã vượt qua được chính mình. Nhưng chính vì những suy nghĩ chủ quan đó của người thân mà không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra.
Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) trên 500 thai phụ ở Hà Nam (45,6% là nông dân) cho thấy, có gần 40% thai phụ gặp các rối loạn tâm thần phổ biến ở giai đoạn đầu thai kỳ. Đến cuối thai kỳ, tỷ lệ này còn gần 29%. Trong khi đó, tỷ lệ rối nhiễu tâm lý chung của người dân Việt Nam dao động trong khoảng 12%-15%. Các rối loạn tâm thần này có thể nghiêm trọng hơn sau sinh nếu như không được giúp đỡ, điều trị kịp thời.
Hiện Việt Nam chưa có số liệu quốc gia về trầm cảm sau sinh. Các nghiên cứu trên phạm vi nhỏ cho thấy, khoảng 8%-20% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Các chuyên gia chỉ ra rằng, phụ nữ khi mang thai bị bạo hành thì nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao hơn 6 lần so với phụ nữ bình thường.