Tranh cãi nảy lửa trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân vụ chạy thận

21/05/2018 - 17:38
Luật sư cho rằng, bệnh viện (BV) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, đại diện BV cho biết chỉ tuân theo phán quyết của tòa án. Trong khi đó, đại diện Công ty Thiên Sơn cho rằng, không bồi thường mà chỉ hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân.
Trong buổi xét xử chiều ngày 21/5, Hội đồng xét xử tập trung làm rõ trách nhiệm dân sự trong việc bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân.
 
Trả lời tại tòa, ông Đỗ Đình Vận, đại diện BV Đa khoa Hòa Bình xác nhận bị cáo Hoàng Công Lương và Nguyễn Văn Sơn là cán bộ của BV. Khi sự cố xảy ra, các bị cáo đang thực hiện nhiệm vụ mà BV giao.
 
Ông Vận cho biết, sự cố ngày 29/5 làm 9 người chết là ngoài ý muốn. Sau khi xảy ra sự cố, BV đã lấy quỹ của cơ quan để hỗ trợ các gia đình nạn nhân. Theo đó, BV hỗ trợ 20 triệu đồng/bệnh nhân tử vong và 2 triệu đồng/bệnh nhân cấp cứu.
dscn0228.JPG
Đại diện một gia đình bị hại trình bày trước tòa

Về trách nhiệm dân sự, cụ thể là bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân, ông Vận cho biết, BV thuộc Nhà nước, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Gần 1 năm qua, BV đã cử đại diện làm việc với các gia đình nạn nhân về việc hỗ trợ, bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, do bất đồng quan điểm, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, qua phiên tòa này, BV mong muốn mọi việc được sáng tỏ. “Trong sự cố này, những cá nhân tổ chức nào gây ra vụ việc thì phải chịu trách nhiệm. Còn BV sẽ tuân theo phán quyết của tòa”, ông Vận nói.

van_dppy.jpg
Ông Đỗ Đình Vận, đại diện BV Đa khoa Hòa Bình

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, tính đến thời điểm hiện tại, BV Đa khoa Hòa Bình đã tự nguyện hỗ trợ số tiền ban đầu cho 08 nạn nhân tử vong là 20 triệu đồng/1 người và 2 triệu đồng/1 người đối với 10 bệnh nhân còn lại. Tổng cộng là 180 triệu đồng. Ngoài ra, BV và Công ty Thiên Sơn còn nộp số tiền là 660 triệu đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các nạn nhân. Trong đó, Công ty Thiên Sơn nộp 370 triệu đồng.

 

Tại tòa, Đại diện Công ty Thiên Sơn cũng cho biết, số tiền 370 triệu đồng đã nộp vào BV là để hỗ trợ cho gia đình nạn nhân. Cụ thể, Công ty hỗ trợ 8 gia đình có nạn nhân tử vong, với số tiền 40 triệu đồng/nạn nhân tử vong; 5 triệu đồng/người còn điều trị.
33079972_2081067758622139_4351612069183750144_n.jpg
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình các nạn nhân

Đại diện Công ty Thiên Sơn cũng cho biết, hiện mới có thêm 1 nạn nhân được xác định tử vong trong tai biến. Vì vậy, công ty chấp nhận hỗ trợ số tiền như những nạn nhân trước đó. Đại diện Công ty cũng khẳng định, đây là hỗ trợ, không phải bồi thường.

 

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, việc bồi thường thiệt hại cho các gia đình nạn nhân là trách nhiệm của BV. Bởi bệnh nhân đến điều trị tại BV, còn các y bác sĩ chỉ thực hiện nhiệm vụ mà BV giao. Do đó, các nhân viên y tế sẽ chịu trách nhiệm trước BV, còn BV phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
dscn0251.JPG
Các bị cáo trong phiên tòa

Như PNVN đã đưa tin, ngày 15/5, Tòa án Nhân dân TP Hòa Bình đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự vụ án làm 9 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.

 

Theo đó, 3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm bác sĩ Hoàng Công Lương (32 tuổi, khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi) Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh về tội “Vô ý làm chết người”.
 
Ngày mai, phiên tòa sẽ bước vào ngày làm việc thứ 6.
 
PNVN sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm