Biên chế khiến giáo viên trì trệ
Cùng với việc từng bước giảm dần biên chế công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng dần hợp đồng lao động, bước tiếp theo của Bộ GD&ĐT là xóa bỏ hẳn biên chế trong đội ngũ GV.
“Chủ trương này nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động, thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ” - Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Xóa biên chế khiến rất nhiều giáo viên lo lắng, tâm tư. Ảnh minh họa |
Nhiều GV cho rằng, điều này nhằm tạo động lực lớn để mỗi GV tự giác nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và thay đổi phương pháp dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, ông Trần Thế Sơn đồng tình khi cho rằng xóa biên chế sẽ giảm tình trạng cào bằng, trì trệ trong một bộ phận không nhỏ GV hiện nay. “Rất nhiều GV hiện có tâm lý là đã vào được biên chế thì dù không hoàn thành nhiệm vụ cũng khó có thể bị sa thải. Do đó, áp lực cho GV phải cố gắng gần như là không có”.
Lãnh đạo của một trường THPT tư thục ở Hà Nội cũng tán thành quyết sách này. Theo ông, năng lực của GV đang bị cào bằng, GV giỏi cũng như GV kém vì làm việc có trách nhiệm hay không cũng như nhau. GV nào không làm được việc cũng chẳng sao.
“Chính điều này vô tình kéo theo sự trì trệ của cả một tập thể. Đã đến lúc chấm dứt tình trạng này, tăng tính cạnh tranh, càng làm tăng chất lượng giảng dạy. Bộ GD&ĐT cần có một hệ thống các tiêu chí đánh giá năng lực khách quan và công bằng đối với các GV” - vị lãnh đạo này nêu quan điểm.
Môi trường giáo dục phải minh bạch, tôn trọng kiến thức và sự thật
Trái với quan điểm đồng tình xóa biên chế GV để thúc đẩy cạnh tranh năng lực, không ít GV cho rằng đây không phải là môi trường phải đánh đổi hai chữ “cạnh tranh” bằng mọi giá.
Cô Lê Thu Hằng (GV ở Đồng Hới, Quảng Bình) kể, gần 15 năm đi dạy, chưa bao giờ cô thấy bấp bênh như lúc này khi nhắc đến hợp đồng lao động. Nhiều GV có thâm niên lâu năm hơn cô còn buồn hơn khi có cảm giác mình không còn được trân trọng.
Theo cô, nghề nào cũng cần nỗ lực không ngừng, nhưng với nghề giáo, có những điều khó có thể đánh đổi được hơn chính kinh nghiệm giảng dạy của GV đúc kết qua nhiều năm.
“Kinh nghiệm ấy không chỉ là chuyên môn mà còn là về xử lý tình huống, về tâm lý dạy học để nắm bắt tâm tư của các em. Trên cả là tình yêu với học trò, với bục giảng sau rất nhiều năm gắn bó với nghề. Nếu đổi lấy sự cạnh tranh và lo lắng bấp bênh làm ảnh hưởng đến tâm lý, liệu có đáng hay không?” – cô Hằng chia sẻ.
Phó giáo sư trẻ tuổi Phan Thị Hà Dương có nhiều tâm huyết với giáo dục trong nước |
PGS Phan Thị Hà Dương (Viện Toán học) nhiều năm tâm huyết với giáo dục trong nước cũng có nhiều chia sẻ đáng suy ngẫm liên quan đến việc xóa biên chế GV. Trên trang cá nhân, chị cho rằng, môi trường giảng dạy và giáo dục không phải là một môi trường cần tính cạnh tranh cao, luôn thể hiện mình giỏi hơn người,...
Ngược lại, môi trường giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, phải là một môi trường khá ổn định và bình yên, không có sự ganh đua mà cần có sự giúp đỡ và cùng nhau phấn đấu.
“Người GV không phải ngày một ngày hai mà dạy giỏi, họ cần tích lũy kinh nghiệm, cần yên tâm với vị trí của mình để tâm huyết, gắn bó với nghề, có thời gian và tâm trí để học hỏi và phát triển năng lực”- PGS Hà Dương thể hiện quan điểm.
Môi trường giáo dục phải là một môi trường minh bạch, tôn trọng kiến thức và sự thật. Nó rất cần sự đóng góp ý kiến thẳng thắn, sự phản biện. “Nếu GV chỉ được ký hợp đồng, và lúc nào cũng có nguy cơ bị dừng hợp đồng, thì họ có còn điều kiện và tâm huyết để góp ý kiến hay phản biện nữa không?” - nữ PGS băn khoăn.
PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.