Trường tốp đầu mất vị thế trong bảng xếp hạng đại học
Bảng xếp hạng được thực hiện bởi một nhóm Xếp hạng ĐH VN gồm 6 chuyên gia độc lập, hoàn toàn phi lợi nhuận và khách quan khi các thành viên của nhóm không có ai liên quan lợi ích đến bất cứ trường nào trong danh sách xếp hạng. Kinh phí do họ tự chi trả.
TS Lưu Quang Hưng, thành viên của nhóm Xếp hạng ĐH VN cho biết, nhóm có nhiều tiêu chí để đánh giá xếp hạng như: Căn cứ chủ yếu để xếp thứ hạng là thành tích công bố quốc tế của các công trình khoa học, phản ánh thành quả của chính sách đầu tư và khuyến khích xuất bản của các cơ sở đào tạo này.
Số sinh viên được đào tạo và tỷ lệ có việc làm cũng là tiêu chí được nhóm đánh giá là quan trọng. Ngoài ra các yếu tố liên quan tới điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó có chất lượng đội ngũ giảng dạy cũng là yếu tố được coi trọng.
“Các nguyên tắc được đề ra khi nhóm tiến hành đánh giá là phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Việc đánh giá của nhóm hoàn toàn độc lập, không dựa vào đánh giá của một cơ quan nào và cũng không phục vụ lợi ích của nhóm” – TS Lưu Quang Hưng nhấn mạnh.
Trong lần đầu công bố, Nhóm đã xếp hạng 49 trường ĐH có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà Nhóm thu thập được từ năm 2014.
Tuy nhiên, khi công bố danh sách, bảng xếp hạng nhanh chóng gây tranh cãi vì những trường tên tuổi tốp đầu của nước ta lại bị… đánh tụt xuống dưới.
Theo đó, top 10 trường ĐH hàng đầu Việt Nam của bảng xếp hạng bao gồm: ĐH quốc gia Hà Nội (1), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (2), Học viện Nông nghiệp (3), ĐH Đà Nẵng (4), ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (5), Trường ĐH Cần Thơ (6), Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (7), ĐH Huế (8),Trường ĐH Duy Tân (9), Trường ĐH Sư phạm HN(10).
ĐH Tôn Đức Thắng là một trường khá trẻ (thành lập năm 1997, khi đó là trường dân lập, từ năm 2008 trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đứng ở vị trí thứ 2 trong số 49 trường của bảng xếp hạng.
Trong khi đó, các trường ĐH vốn được dư luận đánh giá tốt với điểm đầu vào hàng năm cao ngất ngưởng lại chỉ ở mức trung bình. ĐH Kinh tế Quốc dân ở vị trí thứ 30, ĐH Ngoại thương ở vị trí thứ 23, ĐH Y Hà Nội vị trí 20, ĐH Bách khoa Hà Nội ở vị trí thứ 7. Đặc biệt, ĐH Huế - nơi có trường thành viên ĐH Sư phạm Huế lấy điểm chuẩn 12,5 - xếp thứ 3 về giáo dục và đào tạo.
Buồn cho các trường hàng “tốp”
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến khác nhau được chia sẻ xung quanh bảng xếp hạng này. Phần lớn đều cho rằng, cần nhìn nhận lại các tiêu chí để đánh giá bởi những trường “tốp” đầu không thể xếp thứ hạng thấp như vậy.
Ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh ĐH Văn hóa Trung Hoa (Trung Quốc), chia sẻ trên trang cá nhân: “Dạo quanh thị trường thì các trường được xếp hạng cao đang hoan hỉ, các trường được xếp hạng thấp hoặc không được xếp hạng thì đang “cay mũi”.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quảng trị ĐH FPT – cũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “ĐH Huế - nơi có ĐH Sư phạm nổi tiếng 2017 với điểm chuẩn 12,75 - được xếp thứ 3 cả nước về chất lượng giáo dục và đào tạo. Quả là ấn tượng... Buồn cho các trường được xếp hạng đào tạo đứng sau ĐH 12,75”.
Điều khiến bảng xếp hạng này gây tranh cãi hơn là trong khi ĐH Bách Khoa bị tụt hạng trung bình thì ở một số bảng xếp hạng có uy tín khác trên thế giới, trường này có vị trí khá cao.
Cụ thể, tháng 7/2017, theo bảng xếp hạng do Webometrics vừa công bố, ĐH Bách khoa Hà Nội vượt ĐH Quốc gia Hà Nội, vươn lên xếp thứ nhất.
Tháng 7/2017, Webometrics - Bảng xếp hạng học thuật các trường đại học lớn nhất thế giới được thực hiện bởi một đơn vị nghiên cứu cấp quốc gia của Tây Ban Nha từ năm 2004, công bố trong nhóm ĐH ở VN, ĐH Bách Khoa Hà Nội xếp thứ nhất và vươn lên xếp thứ 1.099 trên thế giới
Thứ hạng có tương đương chất lượng đào tạo của trường hay không, là điều mà nhiều người đặt ra cho bảng xếp hạng ĐH Việt Nam vừa công bố ở trên. Bởi theo các bảng xếp hạng khác, vị trí cao đồng nghĩa chất lượng tốt.
Tuy nhiên, theo xếp hạng này, những trường kinh tế đang "hot" như ĐH Ngoại thương, lại ở mức trung bình (23/49). ĐH Bách Khoa thuộc top đầu trong số những ĐH ở miền Bắc, song trong thứ tự đánh giá hạng mục này, trường còn xếp sau ĐH Hà Nội.
Bảng xếp hạng không đồng nhất thứ hạng và chất lượng đào tạo của trường Đó là khẳng định của TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Công ty GiapGroup - một trong những người đề xuất dự án xếp hạng. Ông cho rằng, bảng xếp hạng mà nhóm đưa ra không đồng nhất thứ hạng và chất lượng đào tạo của các trường. Trước khi đưa ra bảng xếp hạng, tác giả đã nói rất rõ các tiêu chí. Đơn cử như ĐH Ngoại thương, số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ cũng như các nghiên cứu và công bố quốc tế ít nên trong bảng xếp hạng ở top trung bình, còn chất lượng của trường là câu chuyện khác. “Ai cũng biết sinh viên ĐH Ngoại thương rất năng động, các em tham gia hoạt động xã hội cũng rất tốt. Vấn đề là chúng ta đừng đồng nhất chất lượng đào tạo và thứ hạng xếp hạng. Có những tiêu chí không đồng nhất được” - ông Dương nói. |