pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tránh lạm dụng "rao giảng", chỉnh đốn con
Ảnh minh họa
Cậu con trai lớp 2 vừa chơi ipad, vừa ăn bánh trên giường, bị bố chỉnh đốn bằng một bài thuyết giảng. Ban đầu, chỉ đơn giản là không được phép ăn uống trên giường bởi kiến sẽ vào giường đốt hai anh em.
Dần dần, bài thuyết giảng đi xa hơn, vượt ra ngoài chuyện ăn trên giường. Nào là, con là đàn ông nên phải gương mẫu, phải có ý thức để làm những việc lớn… Cậu bé 8 tuổi chán nản vừa nghe vừa nhìn ra chỗ khác. Thế nhưng, cậu không dám phản kháng gì bởi chỉ cần cậu ngọ nguậy thì bố lại đưa bài thuyết giảng sang những thứ lan man hơn.
Cứ tưởng cô em gái 3 tuổi sẽ ít bị bố "dạy dỗ" hơn. Thế mà, con gái làm gì chưa đúng, cũng phải khoanh tay và nghe bố "rao giảng". Chỉ cần bé uống nước mà trót đổ một chút ra áo, bố sẽ nghiêm mặt dạy con rằng phải cẩn thận, chú ý, bởi đổ nước ra áo sẽ khiến bị ốm. Lẽ ra, chỉ nói chừng ấy là đủ. Vậy mà ông bố này vẫn yêu cầu con gái đứng yên để bố tiếp tục dạy dỗ với những từ ngữ cao siêu hơn ở mức hiểu biết của con.
Thực tế, nhiều phụ huynh cho rằng giáo dục con cái là phải "nói", phải "chỉnh đốn" con. Có những gia đình, cha mẹ quá lạm dụng việc chỉnh đốn. Khi con mắc lỗi, cha mẹ đay nghiến, nói đi nói lại. Cho dù con đã sửa lỗi nhưng cha mẹ vẫn lấy chuyện đó làm cái cớ để trách móc.
Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, dạy dỗ con từ nhỏ là cần thiết nhưng muốn trẻ tiếp thu, cần làm một số việc sau đây: Cha mẹ cần nói có lý. Nói đúng lý, phù hợp với quy luật phát triển sự vật, với thực tế của trẻ. Cha mẹ cần nói có sức hút. Không được nói một cách cứng nhắc, khô khốc, nhàm chán, phải phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ, sinh động, hình tượng và có dẫn chứng thực tế.
Cha mẹ nhớ nói vào trọng tâm vấn đề, không nói dai. Những nội dung quan trọng có thể nói lại nhưng không được rườm rà, dài dòng. Điều lưu ý là cha mẹ cần nói đúng lúc. Không nên bạ lúc nào nói lúc đó, nên tìm cơ hội hợp lý. Con trẻ rất ngán ngẩm nếu cha mẹ cứ chạm mặt con là nói, nói trong mọi hoàn cảnh.
Đặc biệt, cha mẹ cần nói ý mới. Tránh nói đi nói lại chuyện đã xảy ra từ rất lâu trong quá khứ. Không ai muốn nghe những chuyện đã phải nghe rồi. Nói cần có nội dung mới, thông tin mới để trẻ cảm thấy có sự mới mẻ.