Trẻ biết đọc, biết viết sớm chưa chắc đã là hay

04/07/2017 - 11:20
Theo bác sĩ nhi khoa Nguyễn Thu Hằng, cha mẹ đừng kích thích trẻ con quá mức bởi biết chữ, biết đọc, biết tiếng Anh rất sớm… chưa chắc đã là hay với tất cả các trẻ.
Nhiều cha mẹ dạy con theo phương pháp giáo dục sớm để mong con trở thành "thiên tài". Ảnh minh họa

Cuộc chạy đua ngấm ngầm nhưng rất khốc liệt của nhiều bà mẹ với đủ các phương pháp giáo dục sớm chỉ để mong con trở thành thiên tài khi có thể nhận biết mặt chữ từ 2 tuổi, biết đọc từ lúc lên 3. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, cha mẹ hãy cẩn trọng khi lựa chọn cách dạy con và hãy dựa vào khả năng của cha mẹ khả năng của con, sở trường, sở thích của con để tìm cách cho phù hợp.

Làm gì cũng phải có thời điểm và học tập là con đường rất dài, các cha mẹ không nên vội. Cha mẹ có thể dạy con cái nọ, cái kia một chút cũng vui, tuy nhiên không nên quá mức. Biết chữ sớm, biết đọc sớm, biết tiếng Anh rất sớm… thì cũng chưa chắc đã là hay với tất cả các trẻ.

Cha mẹ không nên quá sốt ruột trong việc áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho con:

Trẻ con dưới 3 tuổi cần chơi thoải mái, cha mẹ chỉ cần yêu thương ôm ấp, chăm sóc sức khoẻ, thể chất cho cẩn thận, chơi với con bằng đồ chơi, hát hò, đọc thơ, hát ru, đưa con ra ngoài ngắm trời đất, hít thở không khí...

Trẻ từ 3 đến 6 tuổi vẫn chơi là chính học thêm một số thói quen sống như xếp dọn đồ chơi, đi về biết xếp giày dép, tự xếp túi đi chơi, đi học mẫu giáo đơn giản, tự mặc, tự thay quần áo, tắm rửa, gội đầu đánh răng, đi vệ sinh sạch sẽ, ăn ngủ đúng giờ... tự sử dụng đũa, dĩa thìa, tự ăn tự uống, thưa gửi chào hỏi, học nói, đọc thơ, học hát để biết nói câu từ hoàn chỉnh, hiểu ngôn ngữ,... một số động tác cơ thể chân tay khéo léo bằng tập thể dục, tập múa tập võ, tập vẽ, nặn, xâu vòng xâu hạt... theo sở trường của cha mẹ và sở thích của trẻ.

Ở tuổi này, cha mẹ nên đọc sách, đọc thơ, đọc truyện, kể chuyện cho con nghe, dạy trẻ biết sống, chia sẻ với bạn bè, người xung quanh...

Trước khi đi học lớp 1, trẻ nên biết bảng chữ cái theo chương trình học mẫu giáo.

Trẻ từ 6 tuổi trở lên đi học thì cần học thói quen học tập, học tự chủ, học nấu ăn vài món đơn giản, tự phục vụ… Cha mẹ vẫn cần để thời gian cho con vui chơi, tận hưởng niềm vui sống, không nên bắt con cắm đầu vào sách vở. Bởi, trẻ học ở mỗi con đường, mỗi lần đi chơi, mỗi góc phố nhỏ, mỗi bãi đất bãi cát, mỗi con ong con kiến, mỗi hiện tượng thiên nhiên…

Trẻ học ở mỗi con đường, mỗi lần đi chơi, mỗi góc phố nhỏ, mỗi hiện tượng thiên nhiên… Ảnh minh họa


Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý xem con mình thế nào để tìm cách dạy cho phù hợp. Ví dụ:

Nếu con là đứa bé luôn sống vui nhộn, hướng ngoại, hoạt động nhiều, thể thao giỏi, tính tình mạnh dạn... thì các trò chơi, hoạt động trong nhà cần lựa chọn yên tĩnh hơn, và thiên về các trò chơi, hoạt động hướng nội, dạy con cách quan sát, suy nghĩ sâu xa về các vấn đề, cách sống khiêm nhường, để ý đến người xung quanh hơn.

Ngược lại, nếu con của bạn thiên về hướng nội rồi, tính tình hiền lành yên tĩnh, ít hoạt động, vận động, hay suy nghĩ sâu xa, hay lo nghĩ xa xôi... thì lại cần các trò chơi, hoạt động vui nhộn, hướng ngoại, nhảy nhót, thể thao....

Nếu thấy con cẩu thả, thì cần thiên về hoạt động tỉ mỉ, chi tiết và ngược lại, nếu con quá cầu toàn, quá chi tiết,... thì hãy hướng con vào một số hoạt động nghệ thuật để con có tâm hồn phóng khoáng hơn...

Nếu thấy con nóng tính, quá nhiều năng lượng... thì thiên về hoạt động yên tĩnh, tập các môn võ/thể dục mềm..

Nếu thấy con là đứa trẻ yếu đuối, nhút nhát thì cần tập dần cho con khoẻ mạnh, tập và chơi thế nào đó để con đỡ nhút nhát...

Nếu thấy con hay tính toán đến tiền nong hoặc vung tay quá trán, thì hãy hướng con đi làm thiện nguyện... 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm