Trẻ chấn thương do ngã, bỏng gia tăng mạnh dịp hè

18/06/2016 - 13:12
Từ đầu hè đến nay, số ca cấp cứu, điều trị do bỏng tại BV Xanh Pôn tăng 15-20% so với bình thường. Tại nhiều BV khác, trẻ bị chấn thương do ngã cũng gia tăng.
Ngoài hành lang khoa hồi sức, BV Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Thị Hồng (32 tuổi), ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai, đang ngồi đợi tới giờ vào thăm con trai 8 tuổi nằm điều trị đa chấn thương do ngã cầu thang, khi chơi máy bay mô hình.
Cùng hoàn cảnh như chị Hồng, chị Bùi Thị Loan, quận 12 (TP.HCM) cũng không giấu được bất an, khi con trai 5 tuổi đang nằm điều trị tại khoa cấp cứu (BV Nhi Đồng 2). Ngày 13/6, con chị bị ngã cầu thang, lăn từ trên xuống bất tỉnh, phía sau gáy sưng một khối lớn nên phải đưa đến BV cấp cứu.
BS Trần Đắc Nguyên Anh, Phó khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 2 cho biết: Từ đầu tháng 6 đến nay, ngoài những trường hợp cấp cứu do bỏng, đuối nước, điện giật… chúng tôi tiếp nhận khoảng gần 10 trường hợp cấp cứu do té ngã. Trong đó riêng ngày 12/6 có đến 4 ca. Điều này cho thấy vấn đề này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
 Điều trị cho trẻ bị tai nạn thương tích tại BV Nhi Đồng 2
Gia tăng trẻ bị bỏng
Còn tại Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, BV Xanh Pôn, cho biết, Khoa đang điều trị cho bé Phạm Minh Tiến, 11 tháng tuổi, (Hà Nội) bị bỏng nước sôi độ 2. Bế cháu trên tay, bà nội bé ân hận: “Lỗi tại bà để cháu phải khổ thế này. Phích nước sôi bà vừa nấu để trên bàn, nghĩ cháu không với được. Thằng bé đang tuổi tập đi lao thẳng tới bàn trong lúc bà không để ý, khiến cả phích nước dội vào chân và đùi phải”.

Tiến vào BV điều trị đã 15 ngày, vết bỏng đang ăn da nhưng bé vẫn chưa xuất viện được vì phải tiếp tục điều trị đến khi lành hẳn. Cùng Tiến, bé Trần Phước Vĩnh, 20 tháng tuổi, bị bỏng do kéo bát cháo vừa nấu xong từ bàn xuống nên bị  đổ vào người, do người lớn trông không cẩn thận. Bé vào BV điều trị được 11 ngày rồi nhưng còn phải mất thời gian dài mới ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, BV Xanh Pôn 
“Từ đầu hè đến nay, trung bình mỗi ngày có 10 trường hợp đến Khoa điều trị do bỏng, tăng 15-20% so với bình thường. Trong đó, tai nạn bỏng do cồn, nước sôi chiếm đa số”, bác sĩ Nguyễn Thống cho biết. Theo bác sĩ, trẻ em độ tuổi 12 - 18 tháng rất hay bị bỏng do trẻ đang độ tuổi tập đi, tò mò, chưa có ý thức trong hành động thấy vật lạ là xem, kéo xuống.

Phòng, tránh thế nào?
Tai nan thương tích ở trẻ có thể phòng và tránh được. Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1, cho rằng, để hạn chế các tai nạn trong dịp hè với trẻ, phụ huynh không nên để trẻ chơi một mình; các loại hóa chất dễ cháy nổ, nước nóng… phải để xa tầm với của trẻ; phải sử dụng nguồn điện và các thiết bị điện an toàn.

Cha mẹ cần dạy trẻ cách đi đứng an toàn; không vừa đi, vừa xem, chơi vật dụng gì đó, đặc biệt là đang đi cầu thang.

Với trẻ đang tập hoặc mới biết đi, khi trẻ lên hoặc xuống cầu thang, cần giữ tay và đi theo trẻ; tốt nhất là bên cạnh trẻ mọi lúc, chỉ trừ khi bé ngủ. Cầu thang nên có dây chằng dọc chấn song lan can. Nếu trẻ bị té cầu thang hoặc do leo trèo, tốt nhất để bé nằm trên mặt phẳng cứng, cố định đầu bé để không lắc lư và nhanh chóng chuyển bé đến cơ sở y tế.

Theo bác sĩ Thống, khi trẻ bị bỏng, cần nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi người trẻ, sau đó cởi hết quần áo một cách nhẹ nhàng tránh làm trượt da trẻ, kiểm tra đường hô hấp, tim… của trẻ. Chuẩn bị ngay một chậu nước sạch nhiệt độ từ 16 đến 200C và nhúng vết bỏng vào nước. Tuyệt đối không được chườm đá trực tiếp, bôi xà phòng, kem đánh răng, các loại dầu mỡ vào vết bỏng của trẻ, lấy khăn sạch băng vết bỏng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm