Trẻ em Việt Nam có nguy cơ bị bán tới Anh

03/09/2016 - 07:44
Hiệp hội chống đối xử tàn ác với trẻ em (NSPCC) của Anh lên tiếng cảnh báo hàng chục trẻ em Việt Nam đối mặt với nạn buôn bán người từ 'rừng tị nạn' Calais (Pháp) tới Anh để làm việc tại các trang trại cần sa.
tre-em-viet-nam-co-nguy-co-bi-ban-toi-anh-2.jpg
Trẻ em ở rừng tị nạn Calais là đối tượng nhắm đến của bọn buôn người sang Anh
 
“Khu rừng mới” Calais là một vùng chỉ rộng 0,4 dặm vuông, là nơi hàng nghìn người di cư sống trong những điều kiện kinh hoàng không phù hợp với bất kỳ tiêu chuẩn nhân đạo nào. Xuyên qua tầng cây thấp rậm rạp của những gì đã từng là một bãi rác thải công nghiệp, những chiếc lều bạt cứ mọc lên. Thế nhưng, trong số 7.000 người di cư đang trú ẩn ở Calais, hiện có 800 trẻ em không có người lớn đi cùng. Từ cuối tháng 6, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã lên tiếng về việc trẻ em ở Calais phải chịu đựng tổn thương nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần do bị bóc lột tình dục và buộc phải tham gia vào đường dây buôn người.
 
Tiếp đến, hiệp hội NSPCC còn cho hay nhiều đứa trẻ được giấu kín ở trại tị nạn nhằm qua mặt nhà chức trách bản địa. Sau đó, chúng được đưa tới Anh thông qua eo biển Manche. Các nhà điều tra của NSPCC cho biết không chỉ trẻ em Việt Nam, nhiều nạn nhân đến từ các quốc gia trên khắp thế giới cũng trở thành mục tiêu của bọn buôn người, bị bóc lột tình dục, sức lao động, cưỡng hôn và biến thành tội phạm một khi đặt chân tới vương quốc Anh.
Do không có người giám hộ, lại nhỏ tuổi, có em chỉ mới lên 9, dễ trở thành con mồi cho bọn buôn người khi chúng nhòm ngó tới "rừng tị nạn" Calais. Trung tâm tư vấn về nạn buôn bán trẻ em (CTAC) trực thuộc NSPCC, tin rằng trẻ em Việt Nam bị những kẻ buôn người nhắm đến nhiều nhất. Nếu sang đến Anh, số phận các em cũng không khá hơn vì bị đưa vào làm việc như nô lệ trong các trại trồng cần sa bất hợp pháp của các băng nhóm người Việt. Theo Daily Mail, băng nhóm người Việt hiện đã thống trị thị trường cần sa của Anh với mức từ khoảng 15% trong năm 2005 lên 90% vào năm ngoái.
tre-em-viet-nam-co-nguy-co-bi-ban-toi-anh-3.jpg
Những đứa trẻ sẽ bị bắt làm nô lệ tại các trang trại cần sa ở Anh
Ông Peter Wanless, giám đốc điều hành NSPCC, cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn và nguy hiểm, nơi trẻ em bị các băng nhóm tội phạm đưa tới Calais”. Hiện NSPCC đang điều tra vụ 72 đứa trẻ bị mất tích khỏi trại tị nạn này.

Hồi tháng 5, chính phủ Anh đã cam kết đẩy mạnh nỗ lực trợ giúp trẻ di cư sau áp lực từ các nhà hoạt động. Hôm 31/8, Văn phòng Ủy viên Thông tin Anh yêu cầu Bộ Nội vụ đưa ra con số trẻ tị nạn không người giám hộ được đoàn tụ với các gia đình ở Anh. Cho đến nay, chỉ có khoảng 40 đứa trẻ từ Calais đến Anh theo quy chế tị nạn Dublin của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, ước tính ít nhất 200 đứa trẻ ở Calais được hưởng quy chế tị nạn này.

Trước đó, ngày 30/8, Anh và Pháp đã nhất trí sẽ cùng tiến hành đánh giá về tình hình trật tự an ninh tại Calais và hai nước sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước Le Touquet đã ký với nhau từ năm 2003, trong đó có việc Anh tiến hành các thủ tục kiểm tra nhập cảnh vào Anh trên đất Pháp. Thông cáo chung của Bộ trưởng nội vụ Anh Amber Rudd và bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nêu rõ: "Anh và Pháp sẽ cùng nhau phối hợp, tăng cường công tác an ninh đường biên chung tại Calais và giảm sức ép di dân đi qua đường hầm eo biển Manche". Tuyên bố tiếp tục thực thi hiệp ước Le Touquet thể hiện chính phủ hai nước quyết tâm duy trì đường huyết mạch kinh tế quan trọng giữa hai nước, bất chấp một số lực lượng cánh hữu tại Pháp lên tiếng yêu cầu thay đổi hoặc hủy bỏ hiệp ước Le Touquet.
tre-em-viet-nam-co-nguy-co-bi-ban-toi-anh-4.jpg
Một trạm kiểm soát biên giới của Anh ở Calais

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm