pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trường mầm non ở Hà Nội đón trẻ trở lại: Khắc phục thiếu giáo viên
Giáo viên hệ thống mầm non Happy Time lau dọn đồ dùng, đồ chơi để đón trẻ trở lại trường
Theo cô Hoàng Thúy Hằng, điều hành hệ thống Mầm non Happy Time, trường đã tổng vệ sinh, khử khuẩn ngay sau khi thành phố có quyết định cho trẻ mầm non đi học. "Rất nhiều việc phải làm vì trong 2 năm dịch Covid-19, trường chỉ mở cửa trở lại được vài tháng và tính đến nay đã gần 1 năm liên tục trường đóng cửa. Không có tiền trả lương cho nhân viên cũng không thể duy trì việc vệ sinh, sửa chữa. Nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học, nhất là khu vui chơi ngoài trời bị xuống cấp, phải thay mới", cô Hằng cho biết.
Tại trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức), nhiều trang thiết bị dạy học, đồ chơi phải mua mới vì đã hỏng hóc trong thời gian trường đóng cửa. Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng trường này, cho biết mọi việc đã tương đối ổn định để đón trẻ trở lại. Nhưng trong những tuần đầu tiên sẽ còn nhiều việc phải khắc phục dần.
Các trường mầm non đều chú trọng việc tạo không khí thân thiện, vui tươi khi trẻ trở lại. Những tấm phông trên sân trường, trong các sảnh chính của trường học đều có dòng chữ "Chào mừng ngày hội đến trường". Theo một hiệu trưởng, mặc dù vẫn phải hạn chế tập trung đông trẻ nhưng trường vẫn có một số hoạt động để ngày đầu trẻ đến trường có cảm giác thân thiện, vui tươi.
Tỷ lệ trẻ trở lại trường cao
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 550.000 trẻ mầm non các độ tuổi, với gần 1.200 cơ sở mầm non, trong đó có gần 800 cơ sở mầm non công lập, còn lại là các cơ sở ngoài công lập. Trước thời điểm trường phải đóng cửa vì dịch, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đạt 99%, tỷ lệ trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ đạt trên 43%.
Nhiều trường mầm non của Hà Nội đang đặt mục tiêu thu hút khoảng trên 80% trẻ trong độ tuổi trở lại trường vào dịp này, trong đó 100% trẻ 5 tuổi. Theo cô Trương Thị Ngọc Bích-Hiệu trưởng trường Mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai), trường đã có thông tin khảo sát nhu cầu của phụ huynh, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cao cho con đi học trở lại.
Tương tự, ở một số hệ thống mầm non tư thục, tỷ lệ trẻ trở lại lớp cũng cao. Cô Đinh Thị Phương Lan, Chủ tịch HĐQT hệ thống mầm non Thăng Long Academy, cho biết: "Tỷ lệ trẻ đi học còn đông hơn thời điểm chưa đóng cửa vì dịch. Lý do là vì nhiều phụ huynh từng gửi con nơi khác nhưng do nhiều cơ sở đã phải giải thể do dịch".
Ngoài việc vệ sinh, khử khuẩn thì khâu phòng dịch cũng được các trường quan tâm. Cô Phương Lan cho biết các cơ sở của hệ thống này đều thực hiện việc phòng dịch 2 lớp: Đo thân nhiệt, kiểm tra sơ bộ sức khỏe của trẻ, sát khuẩn tay ở cổng trường và trước khi vào lớp học.
Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng trường Mầm non Phú Thị (huyện Gia Lâm), trường có phương án đảm bảo giãn cách, phân luồng chặt chẽ vào đầu và cuối buổi học. Mỗi lớp có 1 giáo viên trực ở cổng trường để đón trẻ đưa vào lớp, phụ huynh không vào trong trường. Theo một số hiệu trưởng trường mầm non thì trẻ nhỏ rất khó tuân thủ quy định 5K, cũng không thể bắt buộc test Covid-19 trước khi đến lớp mà chủ yếu kiếm soát yếu tố dịch tễ, tạo thói quen súc miệng, rửa tay và tránh tiếp xúc đông học sinh toàn trường.
Ảnh minh họa: An My
Khắc phục thiếu giáo viên, nhân viên
Việc khắc phục ngay đội ngũ nhân sự là vấn đề nan giải của nhiều trường mầm non. Theo cô Nguyễn Thanh Huyền, phụ trách hệ thống mầm non Ong Việt, tổn thất do dịch khiến một cơ sở của Ong Việt phải đóng cửa. Nhưng cơ sở còn lại hiện vẫn thiếu giáo viên, nhân viên.
Đây là tình trạng phổ biến của nhiều cơ sở mầm non tại Hà Nội. Vì thế, nhiều cơ sở mầm non trong tuần trước phải đăng tin tuyển giáo viên, nhân viên và có các chính sách thu hút giáo viên quay lại. Một số nơi ưu tiên quỹ lương cho giáo viên nên phải sắp xếp để giảm lao động gián tiếp, tăng cường giao việc kiêm nhiệm ở khâu hành chính. Cô Đinh Thị Phương Lan cho biết: Trường có chính sách tăng lương cho những giáo viên xác nhận trở lại trước thời điểm trường mở cửa trở lại. Tới giờ này, nhân sự tạm ổn nhưng vẫn phải tiếp tục bổ sung.
Còn theo cô Hoàng Thúy Hằng, trường phải dành thời gian trước thời điểm đón học sinh trở lại để trao đổi kỹ về các quy định, yêu cầu ở từng vị trí công việc, đặc biệt là giáo viên. "Rất may mắn là tôi khôi phục lại được hầu hết đội ngũ nhân sự. Nhưng giáo viên phải nghỉ việc quá lâu, tản mát đi làm các công việc khác nên rất cần thời gian tái tạo phong cách làm việc, thậm chí phải tập huấn và có những buổi chia sẻ hỗ trợ tâm lý cho giáo viên để họ có tâm thế tốt hơn khi quay lại", cô Hằng cho biết.