pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trẻ tự kỷ làm 200 nón kính bảo hộ tặng các bác sĩ chống dịch Covid-19
Trẻ tự kỷ tự làm nón kính bảo hộ tặng các y, bác sỹ chống dịch
Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Our Story (quận Tây Hồ, Hà Nội), cho biết, từ ngày 19/3 đến ngày 22/3, được sự đồng ý của các phụ huynh, các thầy cô giáo ở trung tâm và một số tình nguyện viên đã cùng hướng dẫn các con làm nón kính bảo hộ để gửi tặng đội ngũ y, bác sĩ ở các bệnh viện trong nước.
"Món quà tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của các con tự kỷ gửi đến động viên các y, bác sĩ đang căng mình chống dịch Covid-19", bà Thu chia sẻ.
Trong khoảng thời gian trên có 3 trẻ tự kỷ tham gia vào việc làm nón kính bảo hộ. Để làm công việc này, các trẻ có chứng tự kỷ gặp nhiều khó khăn, vì đa phần các trẻ bị hạn chế về giao tiếp và hành vi. Cho nên, nếu thời gian làm một chiếc nón bảo hộ của trẻ bình thường là 5-10 phút thì trẻ tự kỷ phải mất tới 20 phút, thậm chí hơn để hoàn thành.
"Trước khi các con làm việc này, chúng tôi đã dạy cho các con kỹ năng về nấu ăn, cho nên việc các con tự cầm dao, kéo để làm là điều hết sức đơn giản, không quá lo chuyện các con tự gây thương tích cho bản thân. Tuy nhiên, đối với các con mới vào trung tâm học vì chưa hiểu rõ các con, chưa dạy các con cách dùng dao, kéo cẩn thận trong một thời gian dài nên chưa dám cho các con dùng", bà Thu chia sẻ.
Khi mới bắt đầu vào làm, các con tự thường làm hỏng (cắt chệch miếng mica, xốp hay bấm sai vị trí khoen). Do đó, để các con làm quen với công việc này, trong quá trình làm các thầy cô phải luôn theo dõi và hướng dẫn, trò chuyện để các con có tâm lý thoải mái và khả năng phản xạ nhiều hơn. "Có những con thì tôi hỏi, 'Con có biết ý nghĩa của việc con đang làm không?', các con tuy cũng biết nhưng lại không thể diễn đạt đầy đủ bằng lời nên các con chỉ cười hoặc nói gọn: 'giúp người', 'mang cho'", bà Thu cho biết.
Cụ thể, để làm nón kính bảo hộ các thầy cô chuẩn bị trước các vật dụng như: tấm nhựa mica, miếng xốp PE, khoen, dây chun, keo dán. Ngoài ra, để tăng thêm hiệu ứng trong việc khích lệ các y, bác sĩ, các thầy cô và trẻ tự kỷ ở đây còn sáng tạo thêm khẩu hiệu "Quyết tâm chiến thắng Covid-19" dán ở phía trước của nón kính bảo hộ.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ vật dụng, để việc làm được nhanh, mỗi con sẽ làm một công đoạn riêng như cắt miếng nhựa mica, cắt xốp PE, cắt khẩu hiệu, cắt dây chun, bấm khoen, dán khẩu hiệu vào miếng xốp,... Sau đó sẽ cùng hoàn thành chiếc nón kính bảo hộ. Từ những chiếc ban đầu còn vụng về, các con càng làm càng thành thục và nhanh hơn, có những con say mê làm đến nỗi ngồi một mạch suốt 3 giờ liền mới nghỉ tay.
Là một trong số những phụ huynh có con tham gia vào công việc này, anh T.B.C (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, "Nhận thấy công việc này có ý nghĩa nên khi cô giáo trao đổi tôi đồng ý cho cháu tham gia ngay".
200 chiếc nón kính bảo hộ do trẻ tự kỷ cùng các thầy cô làm ngay sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, Bệnh viện C Thái Nguyên... - món quà giúp các y, bác sĩ phòng tránh dịch Covid-19 khi tiếp xúc, điều trị cho các các bệnh nhân.
Our Story là trung tâm phát triển cộng đồng phi lợi nhuận được thành lập tháng 11/2019, nhằm hỗ trợ kỹ năng và hướng nghiệp cho các trẻ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và khuyết tật chung.