Chị quen chồng năm 18 tuổi, cũng có yêu, có nắm tay, hẹn hò và... có bầu. Cưới xong, chị mới phát hiện chồng mình không thương mình nhiều như mỗi lần anh vẫn tỉ tê vào tai chị. Nhưng đã muộn, đàn bà ở quê lấy chồng là xong chuyện huống gì chị còn mang tiếng “ăn cơm trước kẻng”. Từ đó, chị cắm mặt làm lụng nuôi chồng, nuôi bố mẹ chồng, rồi nuôi con. Ngẩng lên, chị cũng đã ngoài 40 tuổi. Tài sản có giá trị và lớn nhất của chị là hai đứa con, một trai, một gái mà trộm vía chúng đều ngoan.
Ngoài ra, chị không có gì hơn, nhà thì vẫn ở chung với bố mẹ, chồng thì vẫn trăng hoa, trộm tiền vợ đi vung vãi. Nhiều lần soi gương, chị không hiểu vì lí do gì mà chồng chị cứ đi lang chạ bên ngoài, dù họ còn xấu hơn chị.
Chị đã nói nhẹ, nói nặng, còn đem cả con cái ra để thuyết phục, rằng: “Chúng lớn rồi, đi ra bên ngoài, người ta đàm tiếu thì xấu hổ với bạn bè lắm. Anh thương con, thương em, đi với gái là phải mất tiền trong khi em làm quần quật suốt ngày, anh đem đốt táng hết”...
Nhưng chồng chị chỉ ậm ừ. Chị mà cằn nhằn thì anh ta rượu vào lại lôi chị ra đánh đập, giày xé. Chị xấu hổ với bà con làng xóm, sợ ảnh hưởng đến con cái nên cắn răng không dám than phiền. Chồng chị vốn chẳng coi vợ ra gì càng được thể lộng hành, phá phách.
Chồng chị ngoại tình nhưng vẫn về đánh chị, giày xéo (Ảnh minh họa) |
Gần đây, mẹ chị bệnh nặng nên cả nhà thường thay phiên nhau sang đằng ngoại thăm hỏi và chăm sóc bà. Tự nhiên thấy chồng nhiệt tình, chị nghi hoặc. Nhưng điều chị không thể tưởng tượng được là anh ta lại dám cả gan trêu ghẹo em gái út của chị, hiện đang sống cùng bố mẹ và chưa lấy chồng. Cũng may con bé là đứa mạnh mẽ nên chẳng cần kiêng nể gì, đánh luôn cho anh rể một trận. Hôm đó các em chị cũng có mặt, phản ứng rất quyết liệt, may có chị can anh ta mới khỏi bị què.
Giờ chị cảm thấy rất xấu hổ với các em của mình. Chị đã đem chuyện này thưa lại với bố mẹ và anh chị chồng nhưng mọi người chỉ động viên chị, bảo là: “Thôi cố chịu, tính nó thế”. Riêng chồng chị, từ hôm đó đến nay còn dỗi, bỏ nhà đi. Chị muốn ly hôn nhưng lại nghĩ đến các con. Chị định lên thành phố làm giúp việc nhưng các con chị lại một mực ngăn cản.
Anh ta lại dám cả gan trêu chọc em gái út của chị. Ảnh minh họa: Internet |
Việc anh ta trở nên tồi tệ không chỉ là địa ngục của riêng chị, còn ảnh hưởng đến lối sống của con cái, thậm chí gây hại đến những người xung quanh (ví dụ cô em út của chị hay một ai đó khác). Chúng ta đang sống trong một xã hội có quy tắc đạo đức, có luật pháp và ai cũng cần cư xử một cách rất con người. Nếu chồng chị đã suy đồi đến mức không duy trì được tư cách của mình thì không có bất cứ ai, bất cứ lí do gì buộc chị phải ở lại, kể cả khi đó là các con của chị. Huống hồ, hai cháu đều đã lớn và biết suy nghĩ, chị nên chia sẻ thẳng thắn với các cháu về bố của chúng và cũng chính là chồng mình. Sau đó, chị có thể chọn giải pháp ly hôn, tìm kiếm một công việc mới để tiếp tục cuộc sống.