Tri ân phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc của dân tộc

27/07/2017 - 17:40
Nếu chưa kể hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ở hai đầu Tổ quốc và nơi đảo Trường Sa, đến nay đất nước đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã 42 năm.

Trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ đã biểu thị niềm tự hào là nước ta có vinh dự đánh bại hai đế quốc to. Những rừng cây cháy vì bom na pan, vì chất độc da cam trên dãy Trường Sơn nay đã xanh lại, những hố bom khoét sâu trên những cánh đồng đã được lúa, ngô bao phủ, những vết đạn xuyên thân cây dừa, cây đước, cây xà nu, hay vách đá dường như đã bị thời gian làm mờ, nhưng có một điều rất khó khỏa lấp: Đó là vết thương lòng trong mỗi gia đình có người đã ngã xuống, đã hiến dâng một phần xương máu cho độc lập dân tộc.
Mọi hy sinh, mất mát đều gây nhói đau trái tim đồng loại, thức tỉnh cả lương tri của những người từng ở bên kia chiến tuyến, nhưng chắc chắn những người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người phụ nữ có chồng, con cầm súng ra trận mãi mãi không về.
Đã có hàng triệu triệu ngôn từ dành cho người mẹ, người chị, người em gái nơi tiền phương cũng như ở hậu phương trong những năm tháng khốc liệt; đã có biết bao ca khúc, tứ thơ, áng văn biểu đạt về sự hiến dâng tuổi thanh xuân, tình cảm thiêng liêng, lý tưởng cao đẹp của những người phụ nữ Việt Nam trong những cuộc chiến tranh vệ quốc; nhưng có lẽ mọi ngôn từ đều khó vượt lên trên được cụm từ riêng có ở nước ta: Mẹ Việt Nam anh hùng. Nhắc tới những từ này, bất kỳ ai có lòng yêu nước thương người đều không khỏi trào dâng một thứ cảm xúc đến khác thường (đau thương và kính trọng). Sự hiến dâng những gì quí báu và thiêng liêng nhất của đời người, của con người, của gia đình, dòng tộc mà người phụ nữ Việt Nam viết vào trang vàng lịch sử dân tộc chính là một huyền thoại của nhân gian này.

me_viet_nam_anh_hung_zing_5.JPGTượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng. Nguồn ảnh: zing.vn

 

 Huyền thoại Mẹ Việt Nam anh hùng được hun đúc từ những huyền thoại về hàng triệu người phụ nữ trên khắp mọi miền quê đất nước. Họ là những cô gái quanh năm gắn bó với công việc của làng quê, chân chất, hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, một nắng hai sương lo cho chồng con bát cơm, tấm áo, trang vở, bấc đèn để học làm người; khi đất nước có giặc thì họ nuốt nước mắt vào trong để tiễn chồng, con ra trận, chính họ cũng là những chiến sĩ nơi tiền tuyến và ở hậu phương, vì cả nước đều chung một trận tuyến đánh quân thù, cùng vì mục tiêu “non sông thu về một mối”.
Những cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, ở Truông Bồn, ở hang Tám cô, hay những chiến sĩ giao liên, biệt động thành miền Nam thành đồng Tổ quốc… đều mang trong trái tim mình lòng yêu Tổ quốc, căm thù giặc sâu sắc. Mặc cho bom đạn và gian nguy, tất cả những người chiến sĩ thuộc “phái yếu” lại trở nên có sức mạnh phi thường như Bà Trưng, Bà Triệu thuở xưa cưỡi voi xông trận.
Liệt sỹ Võ Thị Sáu vẫn yêu đời hát bài ca ngợi ca quê hương khi án tử hình đã gieo vào số phận, dù đã yên giấc ngàn thu tại Nghia Trang Hàng Dương nhưng vẫn khiến cho quân thù khiếp sợ.
Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm với những trang nhật ký rực lửa tuổi 20, nồng nàn tình yêu con người, yêu cuộc đời, yêu gia đình, quê hương, đất nước đã thắp sáng lý tưởng người phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Từ địa đầu móng Cái đến đất Mũi Năm Căn, tất cả mỗi phụ nữ Việt Nam đều chung gánh nặng giang sơn, tay cày tay cuốc, dậy sớm thức khuya lo gieo trồng gặt hái và chăn nuôi để chu cấp lương thực thực phẩm cho bộ đội; không chỉ vậy, những người phụ nữ còn phải cầm súng bảo vệ quê hương, sẻ chia tình đồng bào đồng chí cho thương binh, liệt sỹ, sẵn sàng đem vận mệnh để bảo vệ sự sống còn của cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong lòng địch.
Người phụ nữ miền Bắc bám ruộng đồng, nhà máy và phụng dưỡng cha mẹ già, chăm nuôi con thơ cho các anh yên tâm vô Nam đánh giặc. Người phụ nữ miền Nam tiễn chồng con tập kết ra Bắc, đêm đêm hướng về nơi Bác Hồ mong ngày đoàn tụ núi sông, luôn sống xứng đáng với danh hiệu thành đồng Tổ quốc – dám đánh giặc và quyết thắng giặc.
Mẹ Suốt với chiếc thuyền mộc đầy ắp nghĩa tình quân dân đưa bộ đội qua sông ra chiến trường diệt giặc. Những bà má miền Nam có chồng con tập kết ra Bắc hay vào chiến khu, bị Mỹ - Ngụy tù đầy, tra tấn, bắt “ly khai Cộng sản” mà vẫn kiên trung hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Khi Bác Hồ mất, hàng triệu bà Má trên khắp mọi miền quê từ phía Nam sông Bến Hải đều hướng ra Ba Đình tưởng nhớ người Cha già dân tộc, tự lập đền thờ, dâng hương thờ cúng Bác. Ngày 30/4/1975, khắp miền Nam, miền Bắc òa khóc cùng những nụ cười chia vui trong giờ phút non sông sạch bóng thù.

me-thu-2.jpg
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ 


Nhưng biên giới Tây Nam lại đột ngột ầm vang tiếng súng của bè lũ diệt chủng, phụ nữ và trẻ em ở những tỉnh biên giới với Campuchia lại trở thành mục tiêu tàn sát của bè lũ quỉ dữ phát âm tiếng người. Không bao lâu, sau khi quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia đánh tan chính quyền diệt chủng, giúp cho người dân Campuchia vượt qua cơn ác mộng thời hiện đại để hồi sinh, thì toàn tuyến biên giới phía Bắc lại rền vang tiếng súng.
Lẽ ra, sau ngày 30/4/1975, dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam đã có thể được thụ hưởng hòa bình, nhưng máu lại chảy, những chàng trai lại lên biên cương, để lại hậu phương với những tấm lòng son của người phụ nữ mòn mỏi lo âu, ngóng đợi tin chồng, tin con. Biên cương khi tiếng súng tạm yên, nơi đảo xa máu đào của các anh lại đổ, thêm những gia đình tang tóc đau thương vì nghĩa lớn, thêm những người mẹ, người vợ đeo vành khăn tang giữa thời bình. Đất nước này dường như mang số phận một dân tộc kiên trung với bao mất mát hy sinh. Bên lũy tre làng, dưới bóng cây đa hay ở bến đò xưa…đâu đâu cũng ăm ắp những câu chuyện bi hùng, thấp thoáng trong đó dáng hình và thân phận người phụ nữ, không chỉ có một vọng phu mà là vô số hình vọng phu phải vượt lên số phận. Có những người phụ nữ đã 50 năm tìm mộ cha nơi chiến trường Campuchia mà nay vẫn chưa thấy, có những người phụ nữ tuổi đã ngoài 90 mà vẫn chưa thấy bóng người chồng từ chiến trường trở về, lại có những người vợ tuy được đón chồng sau ngày toàn thắng nhưng lại đau đớn khi chồng mình bị nhiễm chất độc da cam, những đứa con của họ sinh ra giữa thời bình mà không ra hình người, có những làng lầm lũi những người phụ nữ cô đơn vì chiến tranh đã cướp đi cơ hội hạnh phúc của họ.

Nhân 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ, chúng ta được nghe, được thấy những bản tráng ca bất tử qua truyền hình, được xem lại những thước phim tư liệu, nghe nhân chứng lịch sử kể lại những điều chưa có trong tiểu thuyết chiến tranh…tất cả đều gieo vào lòng ta những điều xúc động sâu lắng, nhói đau trong trái tim ta những hy sinh tột cùng mà người phụ nữ Việt Nam đã trải qua.
Tất cả sự hy sinh ấy không có giấy bút và ngôn từ nào biểu đạt cho xứng, song cũng phần nào đủ cho ta cảm nhận được giá trị sống, giá trị của lương tri và phẩm giá về một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục. Dường như đâu đây lại vẳng nghe lời Bác Hồ năm xưa vang vọng giữa Ba Đình lịch sử: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Thời thế có thể đổi thay, song chân lý ấy không bao giờ xưa cũ, bởi nó đã được chứng minh và bảo vệ bằng máu xương của hàng triệu người Việt Nam yêu nước, nhất là trong đó có một phần đáng kể của những người phụ nữ đáng kính.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm