Triển lãm “Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Bóc tách những rào cản vô hình đối với phụ nữ

PV
24/10/2022 - 23:21
Triển lãm “Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu”: Bóc tách những rào cản vô hình đối với phụ nữ

Biểu diễn tiểu phẩm chủ đề bình đẳng giới trong lễ khai mạc triển lãm

Triển lãm “Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu” hướng đến bóc tách những khuôn mẫu xã hội về giới, gợi mở suy tư về những rào cản đối với phụ nữ và cả nền kinh tế…

Chiều 24/10, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm nghệ thuật "Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu". Triển lãm do Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và TUVA Communication phối hợp thực hiện. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch "Nhà Nhiều Cột" - chiến dịch xã hội về bình đẳng giới được tài trợ bởi Investing in Women. Chiến dịch nhằm lan tỏa những bước thay đổi tích cực về vai trò giới trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại, đặc biệt là ở thế hệ trẻ.

Triển lãm bao gồm 10 tác phẩm nghệ thuật đương đại của 9 nữ nghệ sĩ, do Đinh Thảo Linh làm giám tuyển nghệ thuật, được thể hiện với đa dạng hình thức thể hiện: Điêu khắc động, nhiếp ảnh, video sắp đặt đa kênh và sắp đặt tương tác. Qua đó, triển lãm dẫn dắt người xem đến với những góc nhìn cá nhân, suy tư và tự sự của những cô gái, những người mẹ, những người nữ lao động phổ thông, những tượng đài anh hùng, về "gánh nặng kép" giữa công việc được trả lương và công việc chăm sóc không được trả lương.

Hình ảnh video sắp đặt trưng bày trong triển lãm

Hình ảnh video sắp đặt trưng bày trong triển lãm

Tựa đề của triển lãm "Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu" lựa chọn lối chơi chữ nhằm phản hồi lại những định kiến hàm chứa trong câu tục ngữ "Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu". Triển lãm hướng đến bóc tách những khuôn mẫu xã hội về giới, gợi mở suy tư về những quan niệm truyền thống gắn nữ giới với vai trò nội trợ, hậu phương và nam giới với vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình và tại nơi làm việc. Những quan niệm này tạo ra những rào cản đối với phụ nữ và cả nền kinh tế trong việc phát huy hơn nữa tiềm năng của mình.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ngài Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam - cho biết, Australia coi việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một khía cạnh quan trọng trong quan hệ đối tác với Việt Nam. "Thông qua chương trình Investing in Women, Chính phủ Australia rất hân hạnh được hỗ trợ các đối tác tại Việt Nam nhận diện và lan tỏa những thay đổi tích cực đối với các chuẩn mực xã hội giới", ông cho biết thêm.

Theo giám tuyển - nghệ sĩ Đinh Thảo Linh, BTC triển lãm muốn "mở" nắp đậy của cái cơi đựng trầu như một lối vào để ta có thể nhìn thấy những lớp "trần kính" (glass ceiling) của người phụ nữ - những rào-cản-không-được-chỉ-mặt-gọi-tên. Nó tồn tại dưới nhiều dạng thức, không chỉ trong sự nghiệp mà còn trong gia đình, khi vai trò người phụ nữ còn gắn với "thiên chức" làm mẹ, làm vợ với vô vàn trách nhiệm phải đảm đương để có thể xã hội định danh là "toàn vẹn".

"Hiểu về bình đẳng giới không chỉ để chúng ta biết yêu thương, trân trọng, không lạm dụng những người nữ, mà còn nhìn nhận ra những khuôn mẫu, những định kiến sẵn có của xã hội, của gia đình, của chính chúng ta với những người xung quanh mình, dù là nữ hay là nam. Nam giới cũng mang nặng nghĩa vụ của việc phải làm một giếng khơi", giám tuyển Đinh Thảo Linh nhấn mạnh.

Bà Lê Kim Dung - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức CARE tại Việt Nam - nhận định: "Những rào cản vô hình đối với phụ nữ trong nền kinh tế thường được nhắc đến với hình ảnh ẩn dụ là "trần kính". Làm cách nào để nhận diện và tháo bỏ "trần kính" đối với phụ nữ và các nhóm yếu thế là mục tiêu mà chúng tôi đã và đang phối hợp với các đối tác để giải quyết. Chúng tôi rất vinh dự khi được hợp tác với các nghệ sĩ trong triển lãm dể làm cho một số rào cản vô hình này trở nên hữu hình hơn, qua đó thôi thúc suy tư về những khía cạnh ít được để ý tới trong hành trình và trải nghiệm của phụ nữ trong cuộc sống và trong nền kinh tế".

Ông Lê Khánh Lương - đại diện Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết: "Tại Việt Nam, bình đẳng giới là một chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng quốc gia ổn định, đồng thuận và phát triển bền vững. Những năm qua, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật, chính sách tạo hành lang pháp lý để các cấp, các ngành triển khai các quy định, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội. Những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam đã được thể hiện qua kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đều có những tiến bộ và được xã hội công nhận.

Ông Lê Khánh Lương cũng hoan nghênh, đánh giá cao triển lãm "Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu" nói riêng và chiến dịch "Nhà Nhiều Cột" nói chung: "Qua quan sát, tôi thấy chiến dịch này rất nhiều sáng tạo và có nhiều hoạt động, nhiều thông điệp hay, ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với công tác truyền thông, thay đổi nhận thức về các chuẩn mực, định kiến giới trong bối cảnh xã hội hiện nay".

Phiên thảo luận chia sẻ kinh nghiệm đúc kết từ việc thực hiện các chiến dịch nhằm thay đổi định kiến giới

Phiên thảo luận chia sẻ kinh nghiệm đúc kết từ việc thực hiện các chiến dịch nhằm thay đổi định kiến giới

Trong khuôn khổ lễ khai mạc triển lãm, BTC còn mở phiên thảo luận chia sẻ kinh nghiệm đúc kết từ việc thực hiện các chiến dịch nhằm thay đổi định kiến giới của Care Quốc tế tại Việt Nam, Plan International tại Việt Nam, Ecue và Wise. Các chiến dịch này được thực hiện từ năm 2020 với sự tài trợ của Investing in Women - một sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện ở khu vực Đông Nam Á thông qua trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

Triển lãm "Một câu đựng trời trong cơi đựng trầu" diễn ra từ ngày 24/10 đến 11/11/2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm