Triết lý nhân văn của một thầy giáo trẻ

Tuệ An
24/10/2021 - 16:30
Triết lý nhân văn của một thầy giáo trẻ

Ảnh minh hoạ

Trong 3 người đi cùng đã có thể kiếm được một người là thầy đáng để học hỏi, nữa là trên đường đời xa ngái, em có biết bao nhiêu người có thể gặp để học hỏi một khi em luôn có tinh thần học hỏi...

Ngày tôi là sinh viên năm cuối, một anh khóa trên chơi khá thân với tôi được giữ lại trường làm việc. Tôi đùa:

- Anh hiền quá vậy lỡ gặp phải sinh viên lì lợm, làm biếng, gây khó dễ thì làm sao?

- Thì bỏ đi chứ sao - Anh vừa cười vừa đáp. Đó là những câu đối đáp vô thưởng vô phạt cho vui của chúng tôi nhưng càng sau này, tôi càng thấy điều đó là rất thật. Tôi vẫn nhớ những điều anh từng nói với tôi: Em biết một đời người làm thầy sẽ giảng dạy cho biết bao nhiêu học trò không? Đến chính người thầy có khi cũng chẳng nhớ nổi số lượng, chỉ nhớ những lứa trò, những mốc thời gian, những học trò còn có chút gì đó lưu lại. Trò xuất sắc, cầu tiến, có thể đi quãng đường xa và vượt lên thầy, mà vẫn luôn giữ lòng biết ơn thầy mình, đó là một cái phước của người đi dạy. Trò cá biệt, quậy phá, lười biếng... thì thôi, bỏ đi. Trường đại học không còn là trường mẫu giáo để thực hiện việc kiên nhẫn động viên, nhắc nhở, phạt... các em quá nhiều lần. Một lần, hai lần thì may ra còn có, chứ nhiều quá thì ai có thời gian để sống thay cuộc đời các em? Qua 18 tuổi là các em thực sự trưởng thành về cả thể chất lẫn tinh thần rồi đó nghe. Cuộc đời rất ngắn, ngày sống rất ngắn mà có biết bao nhiêu việc phải làm. Tôn trọng thời gian của người khác và quý trọng thời gian của chính mình là một trong những điều mà tôi mong chúng ta cần nhớ lấy.

Các thầy cô dạy các em, nhất là ở bậc đại học, ngoài thời gian giảng dạy, các thầy cô còn phải nghiên cứu. Và ngoài em ra, họ còn có trách nhiệm đối với biết bao học trò khác. Nếu học trò nào cũng lì lợm, làm biếng lại còn cố tình bày trò chọc phá thầy cô thì chẳng có ai trụ nổi với công việc của mình. Và nếu gặp phải học trò kiểu đó, một lần, hai lần, thầy cô còn nhắc nhở, chứ cứ vậy hoài là phớt lờ coi như không thấy hoặc chuyển trường hợp cho phòng đào tạo và em có nguy cơ "được ra khỏi trường" sớm hơn dự định.

Vào được một trường đại học chất lượng đã khó, mà ra được trường đó cũng là những năm tháng vật vã lắm, chưa nói đến là ra được với tấm bằng loại ưu. Rồi sau đó là những ngày đường dài với học việc, làm việc... với thái độ không cầu tiến, không biết tiếp thu cái đúng từ những người đi trước, thì em sẽ làm được cái gì?

Nói qua cũng phải nói lại, từ đầu bài viết đến giờ, tôi mới nói đến trường hợp học trò khó ưa thôi đó. Em là người đi học, em có đồng ý với tôi rằng, có những người thầy cũng rất khó ưa không? Có những thầy cô có trình độ cao nhưng vẫn làm cho học trò họ kém đi vì thái độ giảng dạy của họ. Tôi hy vọng đây là những trường hợp rất rất cá biệt.

Dù môi trường được gạn đục khơi trong nhiều hơn bên ngoài đường phố, nhưng trường học vẫn là một mô hình xã hội thu nhỏ, có người thế này, có người thế kia. Tôi từng gặp một người thầy chỉ trích, lăng mạ học trò mình theo kiểu nói cho hả dạ. Trong cuộc sống, hẳn em không lấy làm lạ những người không biết kiềm chế bản thân. Cái gì vượt qua tầm kiểm soát để hả dạ, hay đã đời vào một thời điểm nào đó, có thể giúp cá nhân thỏa mãn thật nhưng hậu họa về sau ra sao? Ăn quá mức thì dễ rước bệnh vào thân. Mà nói quá lời làm tổn thương người khác, nhất là những học trò nhỏ còn vụng dại, thì dễ mất trò.

"Mất trò" có nhiều kiểu. Gặp trò yếu tâm lý thì sinh ra bi quan, chán học, tự ti hoặc có trường hợp tệ đến nỗi tự tử. Còn với trò vững tâm lý thì trò bỏ đi thôi. Trong ba người đi cùng đã có thể kiếm được một người là thầy đáng để học hỏi, nữa là trên đường đời xa ngái, em có biết bao nhiêu người có thể gặp để học hỏi một khi em luôn có tinh thần học hỏi. Đừng để chỉ vì một người thầy không hay mà làm nhụt đi ý chí và rời bỏ con đường của mình nghen em.

Thời gian rất quý. Chúng ta đi qua mỗi ngày, cố gắng từng tí, từng bước chân nhỏ để phát triển và tiến bộ hơn. Chúng ta đừng lãng phí thời gian của nhau.

Không chỉ là mối quan hệ giữa thầy và trò, mà với nhiều người khác. Em hãy biết ai xứng đáng và ai không xứng đáng để em dành thời gian cho họ. Còn nếu em đã phải phí uổng thời gian cho những người không đáng, thì sao? Thì coi như em có được một bài học, và em trả phí bằng thời gian.

Tôi từng có những năm tháng sinh viên với nhiều công việc thiện nguyện. Đó là một khoảng thời gian đáng yêu và trong veo của tôi. Nhưng rồi sau này có nhiều điều không vui xảy ra. Nếu như nơi tôi thường đến làm tình nguyện là nơi dành cho những người thiệt thòi hơn mình thì lại có những người lành lặn và đầy đủ hơn rất nhiều người lại đòi hỏi sự giúp đỡ của tôi với lòng ích kỷ và vô ơn. Họ khiến tôi nghĩ đến một người hàng xóm cũ xa lắc xa lơ thời tôi còn rất bé. Ngày nào tôi cũng mang nước nóng sang cho nhà cô ấy. Rồi một ngày tôi nghe cô ấy buôn chuyện với mấy người hàng xóm khác: "Ô con bé đó ngu lắm. Dễ sai bảo".

Em là người biết cho đi nhưng hãy cho đúng người, em nhé. Đừng để mình bị lợi dụng và bị coi thường. Và ngay chính mình, xin em cũng luôn coi trọng thời gian của người khác. Điều gì tự làm được thì cố gắng tự làm, đừng bất cứ điều lớn nhỏ nào cũng làm phiền người khác.

Thời gian, công sức và tâm huyết của em dành cho một nơi nào bởi chính em muốn thế, thì hãy làm. Còn vì một thứ nghĩa vụ vô lý nào đó mang danh trách nhiệm xã hội để ép em phải làm mà em không muốn thì tại sao em lại làm? Em có quyền từ chối tiếp nhận những thứ gây tổn hại đến em cơ mà.

Làm người tốt không phải là làm những điều gì quá cao siêu. Không phải đưa vai ra gánh đỡ cuộc đời cho nhiều người khác trong xã hội thì em mới là người tốt. Em hãy sống đúng cuộc đời em và đừng làm hại cho người khác - Thế là em cũng đã tốt rồi.

Nếu như em là người chế biến thực phẩm, em sẽ đưa ra thị trường những thực phẩm chất lượng cao, có lợi cho người tiêu dùng. Nếu như em là nghệ sĩ, em sẽ đầu tư cho nghệ thuật mình theo đuổi, để cái cuối cùng là được đem ra cho công chúng tác phẩm chất lượng nhất với khả năng của em. Nếu như em là một người nội trợ, em biết cách chọn các sản phẩm có lợi cho sức khỏe gia đình, và trong quá trình làm việc nhà em biết bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ như hạn chế sử dụng túi nilon, hạn chế đổ hóa chất tẩy rửa vào môi trường...

Ở mỗi vị trí, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc..., chỉ cần em làm việc của em bằng cái tâm thiện, nghĩ tới việc làm sao để không hại người khác - thì hẳn là có rất nhiều điều tốt đẹp diễn ra đó em à.

Với người dành thời gian cho em để giúp em tiến bộ, dành cho em khen đúng chỗ, chê đúng chỗ, thì cần tiếp nhận và giữ lòng biết ơn.

Còn với người làm phí thời gian của em mà chẳng có lợi cho ai cả, không cho họ, không cho em, chỉ khiến mọi thứ tồi tệ đi, thì thôi, biết đường mà né vậy. Càng sớm càng tốt. Buông ra nhẹ nhàng để đừng lãng phí thời gian của nhau. Cũng không cần thiết phải nói qua nói lại "tiếng bấc tiếng chì" làm gì.

Mọi việc xảy ra đều có lý do của nó và sẽ cho em nhận lấy giá trị nào đó dù ít dù nhiều. Bởi thế, người tốt hay người xấu đến trong cuộc đời em, thì thái độ tôi chọn sau mọi chuyện đã qua, vẫn luôn như một câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm