Trồng rừng Đồng Nai bảo vệ những con voi cuối cùng

Minh Tuấn
13/09/2022 - 14:22
Sự suy giảm diện tích và chất lượng rừng, nạn săn bắt, tiêu thụ trái phép đã đẩy loài voi đến bờ tuyệt chủng. Khôi phục rừng, trả lại nguồn thức ăn dồi dào cho đàn Voi được xem là giải pháp lâu dài và triệt để, không chỉ bảo vệ Voi mà còn bảo vệ nhiều loài hoang dã khác.

Voi- loài động vật trên cạn lớn nhất hiện nay, đang đứng bên bờ tuyệt chủng. Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, cả nước hiện chỉ còn khoảng 50 - 100 cá thể voi hoang dã sinh sống trong các khu rừng ngoài thiên nhiên, Trong đó, tại Đồng Nai còn một quần thể voi có lẽ là lớn nhất Việt Nam với số lượng khoảng 16-21 cá thể. Trên thế giới, trong vòng 10 năm qua, số lượng cá thể voi hoang dã đã giảm tới 62%. Voi có thể bị tuyệt chủng trong thập kỷ tới, nếu chúng ta không hành động.

Thấy được tầm quan trọng của việc trồng rừng để bảo vệ một trong những cá thể voi hoang dã cuối cùng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đẩy mạnh hoạt động trồng và phục hồi rừng nghèo tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.

Trong suốt mùa hè vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng 8.500 cây gỗ bản địa giúp phục hồi 17ha rừng nghèo tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp gồm: HSBC Việt Nam, Nestlé, Diageo Vietnam, Harbour Energy, British American Tobacco (BAT), Deutsche Bank, Un-Available và KFC. Suốt mùa hè vừa qua gần 1.700 lãnh đạo, nhân viên và gia đình 7 doanh nghiệp này cũng đã hào hứng tham gia trồng rừng và kết nối với thiên nhiên, trong đó phải kể đến hơn 800 nhân viên và gia đình HSBC Việt Nam.

Hơn 8.500 cây thuộc 10  loài cây gỗ lớn bản địa gồm: Chiêu liêu, Dâu da, Ươi, Dầu, Gõ đỏ, Bằng lăng, Huỷnh, Sao đen, Cẩm lai, Muồng anh đào đã được trồng thành công. Các khu vực trồng mới sẽ được Gaia chăm sóc, giám sát trong vòng 4 năm nhằm đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Báo cáo giám sát khu rừng sẽ được cập nhật hàng năm và gửi đến các đơn vị đồng hành trồng rừng.

Các em thiếu nhi trải nghiệm trồng rừng và là cơ hội để tiếp cận với thiên nhiên kỳ thú

Các em thiếu nhi trải nghiệm trồng rừng và là cơ hội để tiếp cận với thiên nhiên kỳ thú

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: "Hiếm có loài sinh vật nào lại tình cảm và thông minh như voi. Trong rừng, voi cũng là một trong những loài sinh vật chủ chốt, giúp duy trì các quá trình sinh thái ở rừng. Việc bảo vệ Voi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần duy trì sự phát triển bền vững và cân bằng của khu rừng, từ đó phát huy các chức năng sinh thái rừng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỗi chuyến đi trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên cùng Gaia các nhân viên và gia đình doanh nghiệp còn thêm hiểu và yêu rừng, yêu cây hơn, từ đó khích lệ các sáng kiến lao động sản xuất thân thiện với môi trường cũng như lối sống xanh bền vững, vì một Việt Nam Xanh hơn."

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia  trao chứng nhận tham gia trồng rừng cho người đẹp Ngô Bảo Ngọc

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia (bên phải) trao chứng nhận tham gia trồng rừng cho người đẹp Ngô Bảo Ngọc

Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trồng và phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Bạch Mã... đóng góp trực tiếp cho việc phục hồi tài nguyên thiên nhiên, cải thiện chức năng sinh thái rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 và bảo tồn các loài hoang dã quý hiếm.

Năm 2010, bảy cá thể Voi hoang dã tỉnh Đồng Nai đã bị giết hại. Không kiếm đủ thức ăn trong rừng, voi phải ra khu vực ruộng Điều, Xoài của người dân kiếm ăn và đã bị đầu độc chết. Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Đồng Nai đã lắp đặt 50km hàng rào điện tử ngăn không cho voi ra khu vực nương rẫy kiếm ăn. Tuy nhiên người ta vẫn thường xuyên thấy bầy voi ra kiếm ăn ở khu vực gần hàng rào điện tử và tìm cách vượt ra ngoài. Rõ ràng, khôi phục rừng, trả lại nguồn thức ăn dồi dào cho đàn voi và các loài hoang dã mới là giải pháp lâu dài và triệt để, không chỉ bảo vệ voi mà còn bảo vệ nhiều loài hoang dã khác nhau.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm