Trụ trì chùa Vẽ Thích Tâm Chính và câu chuyện "cho đi, không cần nhận lại"

Dương Hà
23/12/2019 - 17:54
Trụ trì chùa Vẽ Thích Tâm Chính và câu chuyện "cho đi, không cần nhận lại"
Thầy Thích Tâm Chính - nữ trụ trì chùa Vẽ (Q. Hải An, Hải Phòng) đã tâm niệm như vậy, khi nhắc đến một trong những hoạt động được thầy cùng nhiều cộng sự tâm huyết trong năm qua - khóa tu mùa hè cho học trò. Bảy ngày cho một khóa tu ngắn, nhưng sự thay đổi của các em và phản hồi tích cực của cha mẹ các em, đã tiếp thêm động lực cho thầy làm tốt hơn hoạt động an sinh quen thuộc của nhà chùa nhiều năm qua.

Mùa hè ý nghĩa ở chùa Vẽ

Hải Phòng những ngày cuối năm 2019 với tiết trời se lạnh, thi thoảng có một chút mưa như báo hiệu năm mới đang đến rất gần. Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa trong chuyến làm việc ngày 22/12 có mặt tại Chùa Vẽ, ngồi bên ly trà ấm, được nghe thầy Thích Tâm Chính – trụ trì của chùa trò chuyện về công việc của mình nơi cửa Phật.

Là nữ trụ trì, ở thầy Chính toát lên sự khẳng khái, vui vẻ nhưng cũng rất mềm mại trong điều hành hoạt động ở ngôi chùa có bề dày lịch sử của thành phố Hải Phòng. Thầy kể, năm 2019 là một năm sôi nổi của thầy với các tăng ni, phật tử tại chùa Vẽ, bởi tổ chức nhiều khóa tu mùa hè bổ ích cho học sinh trong địa bàn tỉnh.

Thật khó tưởng tượng nổi, hàng năm mỗi khóa tu 7 ngày, chùa Vẽ nhận 700 - 800 cháu trong tháng 6. Trong một tuần các học sinh ăn, ngủ nghỉ ở chùa, tham gia các hoạt động của chùa và được nghe giảng đạo. Riêng năm 2019, chùa có 6 khóa tu, mỗi khóa 350 cháu - số lượng đông kỷ lục nhất. Tất cả đều được tham gia miễn phí tại đây trong suốt khóa. Thay vào đó, các em phải tự lập hoàn toàn, tự rửa bát, giặt giũ, dọn vệ sinh… không khí lúc nào cũng rộn ràng, tràn ngập tiếng cười.

Trụ trì chùa Vẽ Thích Tâm Chính và câu chuyện 'cho đi, không cần nhận lại' - Ảnh 1.

Nữ trụ trì chùa Vẽ Thích Tâm Chính trong buổi trò chuyện cùng Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa, ngày 22/12 tại chùa. Ảnh: D.H

"Mong muốn của tôi là trong cả cuộc đời đi tu, mình để lại gì cho đời, để mang đạo đức lối sống, hướng thiện cho các em học sinh- điều mà nhiều trường học vẫn chưa phổ cập được"- thầy Chính bộc bạch.

Theo thầy, dạy đạo đức nhân cách của con người thì môi trường nhà chùa là môi trường dễ nhất cho các cháu. "Chúng tôi cứ nói vui với nhau, ba ngày đầu các con là giặc, ngày thứ tư các con là thánh, ngày cuối cùng các con là phật. Có những cháu chơi game, mắng chửi lại cha mẹ, làm bố mẹ đau khổ, sống khép mình không giao lưu với cha mẹ anh em, độc đoán, chưa tự lập… thì đến đây đều có sự thay đổi đáng kể"- thầy nói.

Thành quả của thầy, chính là phản hồi tốt của phụ huynh sau khi cho con tham gia khóa tu. Có phụ huynh chia sẻ với thầy rằng, trước đây, trong bữa cơm con không mời bố mẹ, cứ có thứ gì ngon nhất thì gắp ăn. Nhưng lần đầu tiên trong đời, sau khi ở chùa về, cháu đã biết mời bố mẹ trong bữa cơm, gắp thức ăn ngon nhất cho mẹ, cho em. Có những người tưởng mất con thì sau đó con trở về, thành người bình thường, tốt hơn rất nhiều.

"Không phải ai sinh ra cũng làm tiến sĩ, cô giáo… nhưng thay đổi của các cháu phải đến 70 - 80%, thậm chí có những cháu thay đổi hoàn toàn. Trong tiềm thức các cháu vẫn luôn có lời dạy, hướng đạo của các thầy cô trong khóa ở khóa tu 7 ngày, đó là sự động viên rất lớn đối với chúng tôi!"- sư thầy Thích Tâm Chính chia sẻ.

Trụ trì chùa Vẽ Thích Tâm Chính và câu chuyện 'cho đi, không cần nhận lại' - Ảnh 2.

Quang cảnh an yên, thanh tịnh của chùa Vẽ ngày cuối năm 2019. Ảnh: D.H

"Cho đi, không cần nhận lại!"

Nhận hàng trăm học sinh về dạy, rồi cho các em ăn, ngủ nghỉ tại chỗ, thầy Thích Tâm Chính cho rằng, chắc chắn phải hi sinh, xả thân, nếu không thì không làm được. "Phải huy động tổng lực, vừa thể chất, tinh thần, vật chất. Nếu không biết hi sinh thì không thể làm được. Có vài người hỏi tôi, tại sao thầy làm được vậy, chắc phải có lợi ích gì, không ai hi sinh như vậy cả! Tôi nói là, lợi ích của tôi rất nhiều. Ngân hàng của tôi ở nơi Đức Phật, khi nào sang đến Đức Phật mới tiêu được!"- thầy Thích Tâm Chính tếu táo chia sẻ.

Nữ trụ trì tâm niệm, thay đổi hành vi của một con người - đó là cái được lớn nhất. Còn tiền bạc, được như thế này là nhờ có niềm tin của mọi người, làm gì cũng thành công vì được nhiều người ủng hộ.

"Rất nhiều đệ tử, tu tập ở chùa nhiều năm nay đã trở nên thành đạt, trong đó có nhiều người làm nghề dạy học. Tôi vui vì nhiều thầy cô thành đạt ở chỗ, vừa đem kiến thức, vừa đem giáo lý vào mái trường để dạy học sinh. Học sâu và tìm hiểu giáo lý Đức Phật thì thấy rất hay, thôi thúc mình đi theo con đường tốt, đi đến đích để làm lợi ích cho tha nhân"- nữ trụ trì nói.

Trụ trì chùa Vẽ Thích Tâm Chính và câu chuyện 'cho đi, không cần nhận lại' - Ảnh 3.

Trụ trì Thích Tâm Chính nhận món quà từ Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa. Ảnh: D.H

Điều mà thầy Chính tâm đắc chia sẻ tại buổi trò chuyện, đó là hoằng pháp và an sinh xã hội là hai việc luôn song hành. Bởi theo thầy, an sinh xã hội để cho người ta sống an lành, sống tốt. Và khi sống tốt, chắc chắn làm việc gì cũng sẽ thành công. "Cho đi là không cần nhận lại, người cho đi mới là người giàu nhất thế gian"- thầy nhắn nhủ.

Trao đổi tại buổi trò chuyện, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa gửi đến trụ trì chùa Vẽ 3 thỉnh nguyện. Điều đầu tiên, bà mong ngày càng nhiều phật tử là hội viên phụ nữ, đặc biệt trong nhóm Đạo Tràng hiện tại với 70% là hội viên nữ, sẽ nhiều người được lắng nghe thầy rao giảng lời hay, mong muốn được hướng tới là người bà, người mẹ, người vợ tốt.

Trụ trì chùa Vẽ Thích Tâm Chính và câu chuyện 'cho đi, không cần nhận lại' - Ảnh 4.

Đoàn công tác và khoảnh khắc đáng nhớ cùng trụ trì Thích Tâm Chính ngày 22/12 tại chùa Vẽ. Ảnh: D.H

Thứ hai, bà Bùi Thị Hòa đề xuất trong năm 2020 có thể cho các nữ hội viên trẻ được tham gia khóa tu để các em biết nhiều hơn về đạo lý làm vợ, làm mẹ, sự hiếu thuận của con cái dành cho cho mẹ… "Kiến thức đến các em thông qua cách giảng đạo của thầy gắn với đạo lý của Đức Phật, chắc chắn sẽ có sự thấm nhuần rất lớn"- bà Bùi Thị Hòa cho biết.

Một điều nữa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Bùi Thị Hòa gửi lời mời đến thầy đi cùng phụ nữ của Hội LHPNVN tham gia các đoàn công tác thiện nguyện, như truyền đi thông điệp tốt đẹp của mình và của nhà chùa thông qua các hoạt động đang diễn ra ở chùa, lan tỏa rộng hơn tinh thần này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm