Trữ trứng trước khi hóa trị ung thư: Quyết định táo bạo của cô gái 20 tuổi

An Khê
24/03/2023 - 14:15
Trữ trứng trước khi hóa trị ung thư: Quyết định táo bạo của cô gái 20 tuổi

Bác sĩ Phương Thảo chọc hút trứng cho Huyền trước khi điều trị ung thư vú - Ảnh: Tuệ Diễm

Phát hiện ung thư vú khi tròn 20 tuổi, Huyền chọn trữ trứng trước khi hóa trị để bảo tồn khả năng sinh sản.

Đầu tháng 2/2023, cô sinh viên Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 2003), sống tại quận 7, TP.HCM đi khám sức khỏe định kỳ. Tại đây, cô phát hiện mình bị ung thư vú phải giai đoạn 2, thể tam âm.

Bác sĩ Châu Hoàng Phương Thảo - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám cho Huyền cho biết, đối với bệnh ung thư vú thể tam âm, bệnh nhân không có chỉ định điều trị bằng liệu pháp nội tiết và liệu pháp nhắm trúng đích với Herceptin (đây là thuốc nằm trong nhóm thuốc chống ung thư, kháng thể đơn dòng nhằm vào các tế bào ung thư vú). Phương pháp điều trị cho các bệnh nhân ung thư vú bộ ba âm tính như Huyền là phối hợp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Huyền được bác sĩ chỉ định hóa trị 4 đợt và đoạn nhũ sau hóa trị để tiêu diệt tận gốc các tế bào di căn. Tác dụng phụ của hóa trị có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cô gái trẻ, do đó bác sĩ khuyên Huyền trữ trứng trước khi điều trị.

Vào cuối tháng 2/2023, Huyền quyết định đến viện để chuẩn bị thuốc kích thích buồng trứng. Thông thường, quy trình tiêm thuốc kích trứng thường bắt đầu vào ngày 2 - 3 của chu kỳ kinh nguyệt. Do Huyền cần xạ trị khẩn cấp nên các bác sĩ dùng phác đồ kích thích buồng trứng ngay để trữ trứng, không đợi chu kỳ kinh.

Toàn bộ 15 trứng của Huyền sau khi chọc hút được đưa đi trữ đông lạnh ở -196 độ C bằng kỹ thuật thủy tinh hóa. Phương pháp này giúp một phụ nữ trữ trứng năm 20 tuổi thì đến năm 40 tuổi, chất lượng trứng vẫn được bảo tồn và Huyền hoàn toàn có thể sinh con khỏe mạnh sau khi đã điều trị bệnh ổn định.

Ước tính trung bình mỗi năm trên toàn quốc có hơn 15.000 phụ nữ được phát hiện ung thư vú, trên 6.000 trường hợp tử vong, khoảng 42.000 chị em mắc đang sống chung với bệnh.

Theo thống kê từ bệnh viện K, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú đạt trên 75%, ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Sau điều trị ung thư, phụ nữ vẫn có nhu cầu mang thai, sinh con.

Theo bác sĩ Thảo, việc hóa trị (đặc biệt là các chất alkyl hóa) có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến buồng trứng, khiến chúng ngừng giải phóng noãn và estrogen. Đây được gọi là hiện tượng suy buồng trứng nguyên phát (POI). Người bệnh có thể bị bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, khó chịu, khô âm đạo và kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh. Hóa trị cũng có thể làm giảm số lượng trứng khỏe mạnh trong buồng trứng, gây bất thường noãn ngay cả ở phụ nữ trẻ. Ở phụ nữ gần đến tuổi mãn kinh tự nhiên, có thể có nguy cơ vô sinh cao hơn.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng hóa chất điều trị ung thư đến chức năng buồng trứng còn tùy thuộc vào loại thuốc và phác đồ mà bác sĩ điều trị. Đồng thời phụ thuộc vào độ tuổi của người bệnh điều trị hóa chất. Nếu điều trị hóa chất dưới 30 tuổi, khả năng phục hồi buồng trứng cao hơn, so với người bệnh sau 35 tuổi. Nhiều phụ nữ sau điều trị hóa chất gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt, mãn kinh sớm, rất ít phụ nữ còn khả năng mang thai tự nhiên. 

Muốn có con phải sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản. Tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng, người bệnh cũng ngày càng trẻ hóa, song nhờ áp dụng các biện pháp mới trong chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú tại Việt Nam đã tương đương với các nước phát triển trong khu vực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm