Trump và Hillary đấu nhau bằng thuyết 'gian dối và đầu độc'

05/10/2016 - 12:28
Cả Donald Trump và Hillary Clinton đang trở thành “nạn nhân” từ những “Thuyết âm mưu”. Hai bên đang cùng tung ra thuyết này để hạ bệ nhau trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
thuyet-am-muu-trong-bau-cu-tong-thong-my-3.jpg
Thuyết âm mưu là một phần không thể thiếu trong những mùa bầu cử Mỹ
Chúng ta vẫn thường nghe đến cụm từ 'Thuyết âm mưu' trên các phương tiện truyền thông, tin tức. Vậy thuyết âm mưu thực sự là gì, có đáng sợ như chính cái tên của nó? Thuyết âm mưu hay thuyết ngờ vực là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau.

Một giả thuyết âm mưu là một giả thuyết mang tính giải thích mà theo đó buộc tội một nhóm người hay một tổ chức gây nên hay đứng đằng sau một sự kiện, một hiện tượng gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế chính trị xã hội.

Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo và bàn tán.

Tại mùa bầu cử 2016, tờ Politico nhận định thuyết âm mưu nguy hiểm nhất của Donald Trump và phe Cộng hòa là tích cực rêu rao rằng cuộc bầu cử bị gian lận và quá trình bầu cử không minh bạch. Chính ông Obama chỉ trích ông Trump đã và đang truyền bá “thuyết âm mưu”.

Chiêu trò của ông Trump

Kể từ mùa hè, ông Trump luôn cố gắng "nhồi nhét" vào đầu người ủng hộ rằng kết quả ở những bang chiến trường, như Ohio và Florida, đã được sắp đặt nên ông ta chắc chắn sẽ thua. Trump đưa ra thuyết âm mưu nói trên trong lần xuất hiện trước công chúng hôm 1/8 tại Colombus (Ohio). Trump đã cáo buộc Đảng Dân chủ gian lận để đảm bảo rằng bà Hillary đánh bại Bernie Sanders nhằm giành vị trí được đề cử của Đảng. "Tôi sợ rằng cuộc bầu cử sẽ bị gian lận. Tôi phải trung thực", Trump nói với công chúng. Tuy nhiên, Trump không nói rõ hoặc cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về tuyên bố của mình, chỉ nói rằng ông "càng ngày càng nghe nhiều" thông tin là cuộc bầu cử sẽ không công bằng. Tỷ phú địa ốc cũng cho hay, ngay trong Đảng Cộng hoà cũng có gian lận để chống lại ông.

Ông Trump và các đồng minh liên tục chỉ trích tòa án liên bang vì bãi bỏ các điều luật yêu cầu cử tri phải xuất trình thẻ căn cước ở mỗi điểm bỏ phiếu. Thậm chí, Trump còn nói rằng một số cử tri Dân chủ "có thể bỏ phiếu cho bà Hillary đến 15 lần".

Cố vấn chính trị thân cận nhất của Trump, ông Roger Stone chia sẻ rằng chính ông đã thúc giục Trump nên đi trước đối thủ trong việc nêu lên quan ngại về sự minh bạch trong bầu cử, đặc biệt mỗi lần ông dẫn trước bà Hillary trong các thăm dò. "Chẳng hạn ông ấy cần nói rằng 'Tôi đang dẫn đầu ở Florida, các khảo sát đều cho thấy như vậy. Nên nếu tôi thua ở Florida thì đó là gian lận phiếu bầu, cả cuộc bầu cử này là không hợp pháp, người chiến thắng sẽ không được thừa nhận, chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng hiến pháp...", Stone kể.
thuyet-am-muu-trong-bau-cu-tong-thong-my-2a.jpg
Ông Trump tung nhiều thuyết âm mưu nhằm vào bà Hillary
Ngoài ra, sức khỏe của bà Hillary cũng là một trong những điểm mà ông Trump thường xuyên xoáy sâu để chứng minh rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ đã không còn đủ khỏe để làm tổng thống. Nhiều người cho rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ đã sử dụng người thế thân để xuất hiện trước công chúng trong khi mình đang mắc “trọng bệnh”. Họ phân tích những hình ảnh tràn đầy năng lượng của bà Hillary khi rời khỏi nhà của con gái Chelsea chỉ 90 phút sau khi bà đứng không vững tại khu tưởng niệm 11/9.

Vấn đề sức khỏe lại tiếp tục đeo bám ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary sau khi đoạn video cựu Ngoại trưởng Mỹ ngồi vỗ tay như một cỗ máy khi bà nghe thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang phát biểu. Chính điều này đã khiến một người theo thuyết âm mưu đặt ra nghi vấn cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy và Hillary đang mắc phải một căn bệnh trầm trọng nào đó và phải sử dụng robot thế thân để che giấu điều này.
 
Đòn phản công của bà Hillary

Ông Bennet Omalu - một tiến sĩ nghiên cứu bệnh học pháp lý từng phát hiện ra căn bệnh CTE dẫn đến cái chết của một số cầu thủ bóng bầu dục Mỹ, đã đề nghị ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Hillary Clinton nên đi xét nghiệm máu để xem liệu bà có bị đầu độc hay không. Từ đó, việc ám chỉ ông Trump đầu độc bà Hillary đã xuất hiện trên trang đầu của nhiều tờ báo.
thuyet-am-muu-trong-bau-cu-tong-thong-my-6.jpg
Bà Hillary trong vòng xoáy âm mưu của phe cộng hòa
Bên cạnh đó, mỗi khi đến mùa bầu cử ở Mỹ là thời điểm người ta chứng kiến quan hệ giữa nước này với Nga xấu đi. Điều này đã trở thành “chuyện thường ngày” trong mỗi mùa bầu cử. Bà Hillary không ít lần lên tiếng cáo buộc tình báo Nga đã tấn công hệ thống máy chủ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) và làm lộ nhiều thư điện tử quan trọng. Hồi đầu tháng 8, khi chỉ trích Nga đã “dàn xếp” nhằm để lộ các thư mật của DNC, bà Clinton còn nhận định rằng, ông Trump đã thể hiện thái độ “sẵn lòng hậu thuẫn” Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bà Hillary cho rằng sự can thiệp tiềm ẩn của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 có thể gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng”. Chính Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã cho biết các báo cáo đều quy kết một số quan chức cao cấp Nga "cố gắng can thiệp để gây ảnh hưởng đến bầu cử tại Mỹ".
thuyet-am-muu-trong-bau-cu-tong-thong-my-5.jpg
Mối thân thiết đáng ngờ giữa Tổng thống Nga Putin và Trump tạo nên mối ngờ vực về việc can thiệp vào kết quả bầu cử ở Mỹ
Nỗi sợ hãi đến từ thuyết âm mưu
thuyet-am-muu-trong-bau-cu-tong-thong-my-7.jpg
 Nỗi hoang man của người Mỹ trước những thuyết âm mưu vô căn cứ về bầu cử
Các quan chức phụ trách công tác bầu cử khẳng định khả năng gian lận quy mô lớn là không thể xảy ra. Hệ thống bầu cử Mỹ cũng không dễ bị tấn công mạng quy mô lớn vì nó được thực hiện thông qua mạng lưới kết hợp các bang và địa phương trong hệ thống khép kín.

Thế nhưng, chỉ còn gần 35 ngày nữa là đến ngày bầu cử chính thức tổng thống Mỹ, nhiều nhà quan sát vô cùng lo ngại khi các thuyết âm mưu và những tin đồn vô căn cứ liên tục xuất hiện và ngày càng lan rộng.

Cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều dự đoán rằng những thuyết âm mưu sẽ vẫn tiếp diễn sau ngày bầu cử, bên thua cuộc có thể không dễ dàng chấp nhận kết quả.

                              Mỹ - Mảnh đất màu mỡ cho “Thuyết âm mưu” nở rộ

Nhiều người tin rằng, thuyết âm mưu bắt nguồn từ Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). Trong cuốn sách "Thuyết âm mưu ở nước Mỹ" của giáo sư Lance deHaven – Smith (trường đại học Bang Florida), ông cho rằng CIA đã tạo ra cụm từ "Thuyết âm mưu" vào thập niên 60 của thế kỷ 20 nhằm phản bác và làm mất uy tín của những ngờ vực và giả thuyết liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy năm 1963. Những giả thuyết này cho rằng, vụ ám sát Tổng thống Kennedy liên quan đến nhiều người và tổ chức hơn là chỉ mình Lee Harvey Oswald, người được cho là đã bắn chết Tổng thống Kennedy.

Kể từ đó, thuyết âm mưu cũng đã trở thành một phần không thể thiếu trong những mùa bầu cử. Phe thua cuộc luôn tuyên bố rằng họ thất bại vì bầu cử không minh bạch. Chẳng hạn, sau khi Tổng thống Bush "con" tái đắc cử năm 2004, nghị sĩ Robert F. Kennedy Jr. đăng một bài dài trên tạp chí Rolling Stone chất vấn chuyện phe Cộng hòa ngăn chặn 350.000 cử tri được bỏ phiếu hoặc không đếm phiếu của họ ở Ohio. Từ đó dẫn đến chiến thắng cho ông Bush. Hoặc sau khi Tổng thống Barack Obama tái đắc cử năm 2012, ĐH Fairleigh Dickinson thực hiện khảo sát cho thấy 30% đảng viên Cộng hòa tin rằng cử tri phe Dân chủ đã gian lận để làm thay đổi kết quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm