Những năm gần đây, thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại. Ở nước ta, thiên tai diễn ra nghiêm trọng có các yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo với những thiệt hại nặng nề chưa từng có.
Trên thế giới, nhiều quốc gia phải trải qua những trận thiên tai khủng khiếp như động đất, sóng thần, lũ lụt... làm chết hàng ngàn người; hàng chục triệu người bị ảnh hưởng.
Tại Việt Nam, trong 20 năm vừa qua, các khu vực trên cả nước ta đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động đến môi trường sống, hoạt động sản xuất kinh doanh. ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước (trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP). Tình hình thiên tai có những diễn biến bất thường, trái quy luật, ngày càng nghiêm trọng hơn cả về cường độ và tần suất. Thiên tai xảy ra nhiều hơn ở các vùng, miền trước đây ít xảy ra. Rủi ro thiên tai một số vùng tăng do phát triển kinh tế nhanh, quy mô lớn nhưng cơ sở hạ tầng thiếu bền vững.
Tại Hội nghị toàn quốc phòng, chống thiên tai ngày 29/3/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quán triệt quan điểm về việc xây dựng một xã hội “an toàn trước thiên tai”, trong đó nêu rõ: Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro, lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”...
(Xem toàn văn ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI)