Trung Quốc chế tạo thành công máy tạo nhịp tim không cần thay thế

02/03/2019 - 13:00
Với máy tạo nhịp tim không cần thay thế, người bệnh sẽ không cần phải phẫu thuật thường xuyên để thay máy, mà chỉ cần phẫu thuật một lần.

Cấy máy tạo nhịp tim vẫn luôn là biện pháp chữa rối loạn nhịp tim an toàn và hiệu quả nhất. Biện pháp này xuất hiện từ cuối những năm 1950.

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị rất nhỏ, chạy bằng pin, được đặt dưới da thông qua phẫu thuật.

Tuy nhiên, suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm một nguồn năng lượng không cần thay thế cho máy tạo nhịp tim. Bởi lẽ, hiện nay, hầu hết máy tạo nhịp tim phải được thay thế sau mỗi 5 - 12 năm. Điều này có nghĩa là mỗi lần thay thế, người bệnh lại phải trải qua phẫu thuật xâm lấn. Phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim và dây dẫn cung cấp xung điện cho tim rất phức tạp.

Phẫu thuật này thường đi kèm với nguy cơ nhiễm trùng và rất tốn kém. Cụ thể, tùy thuộc vào loại máy tạo nhịp tim, thông thường các thiết bị thường có giá từ 19.000 - 96.000 USD (tương đương 440 triệu – hơn 2,2 tỷ đồng). Tất nhiên, mức giá này chưa bao gồm chi phí phẫu thuật.

trung-quoc-tao-ra-may-tao-nhip-tim-khong-can-thay-the.jpg
Các nhà khoa học Trung Quốc đã giới thiệu máy tạo nhịp tim mới tận dụng nguồn năng lượng từ chính những chuyển động của tim

Tuy nhiên, một tương lai mới cho phương pháp đặt máy tạo nhịp tim vừa được các nhà khoa học Trung Quốc gợi mở khi các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc gia ở Thượng Hải đã phát triển được một thiết bị tạo nhịp tim không cần pin và không cần thay thế.

Bí quyết của thiết bị là khung nhựa dẻo cho phép thiết bị có thể thu nạp được năng lượng từ chính trái tim người bệnh.

Trung tâm của thiết bị là các lớp vật liệu áp điện có khả năng tạo ra năng lượng bất cứ khi nào nó bị uốn cong. Thiết bị này có thể tạo ra điện tích bất cứ khi nào nó bị tác động lực, bao gồm cả khi nó bị tác động bởi các vật chất tự nhiên trong cơ thể người bệnh.

Thực tế, các nhà khoa học từ lâu cũng đã coi áp điện là một giải pháp khả thi để nạp năng lượng cho máy tạo nhịp tim. Nhưng họ đã không thể tạo ra một thiết bị có thể uốn cong đủ để tạo ra năng lượng.

Giờ đây, từ giả thuyết trên, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra điểm mấu chốt và cho thấy thiết bị của họ có đủ khả năng cung cấp năng lượng cho máy tạo nhịp tim và giữ cho tim lợn đập mạnh.

Trong khi các máy tạo nhịp tim hiện tại được cấy vào vị trí gần xương cổ, ngay dưới da, thì các thiết bị tạo nhịp tim mới được giấu bên dưới tim. Vị trí này giúp những chuyển động co bóp của tim uốn cong máy tạo nhịp tim một cách nhịp nhàng nhất.

Trong các thử nghiệm ở lợn, máy tạo nhịp tim mới tạo ra nhiều năng lượng tương đương máy tạo nhịp tim thông thường.

Miễn là máy tạo nhịp tim giữ cho trái tim còn đập, thì trái tim sẽ giữ cho máy tạo nhịp tim hoạt động. Đây thực sự là một mối quan hệ cộng sinh hoàn hảo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm