Cách đây không lâu, người xem truyền hình Trung Quốc đã được chào đón với một phiên bản kỹ thuật số của người dẫn tin tức mà Tân Hoa Xã thường gọi là Qiu Hao. Người dẫn chương trình ảo này đeo cà vạt màu đỏ và vận một bộ vét kẻ sọc. Anh ta có thể gật đầu, nhíu mày một chút để biển lộ cảm xúc tự nhiên hơn trong bản tin.
“Tôi không chỉ có thể đồng hành cùng bạn 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm. Tôi còn có thể được sao chép không ngừng và dẫn ở những cảnh khác nhau để mang tin tức đến cho bạn”, trí tuệ nhân tạo Qiu Hao nói.
Vừa qua, trong thời gian diễn ra Hội nghị Internet thế giới hàng năm của Trung Quốc, Tân Hoa Xã tiếp tục giới thiệu một người dẫn chương trình ảo và tuyên bố, trí tuệ nhân tạo dẫn chương trình tin tức này là một phóng viên được số hóa giống như thật, mô phỏng một người đàn ông trông rất thực, mặc đồ rất đẹp và “có thể đọc văn bản tự nhiên như một người dẫn bản tin chuyên nghiệp” nhờ mô phỏng giọng điệu và khẩu hình của người thật.
Cụ thể, trí tuệ nhân tạo này được mô phỏng theo một người dẫn chương trình của Tân Hoa Xã tên Zhang Zhao.
Tuy nhiên, bản tin đầu tiên của trí tuệ nhân tạo được phát hành vào ngày 8/11 lại cho thấy một giọng nói cứng nhắc như robot và các phản ứng rất lúng túng.
Đầu bản tin, người dẫn chương trình trí tuệ nhân tạo nói: “Xin chào, bạn đang theo dõi bản tin bằng tiếng Anh. Tôi là người dẫn chương trình trí tuệ nhân tạo tại Bắc Kinh”.
Trong đoạn video giới thiệu, trí tuệ nhân tạo còn nói: “Tôi sẽ làm việc không biết mệt mỏi để giúp các bạn cập nhật thông tin khi văn bản được gõ vào hệ thống của tôi một các liên tục”.
Công nghệ tổng hợp lời nói của người dẫn chương trình, cử động môi và nét mặt được Tân Hoa Xã và công cụ tìm kiếm Trung Quốc Sogou phát triển.
Hiện, Tân Hoa Xã và Sogou đãng tiếp tục phát triển một trí tuệ nhân tạo dẫn chương trình thứ hai mô phỏng theo một người dẫn chương trình khác để dẫn bản tin tiếng Trung.
Tân Hoa Xã cho biết, trí tuệ nhân tạo này “có thể làm việc 24 giờ mỗi ngày trên trang web chính thức và các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau, giúp giảm chi phí sản xuất tin tức và nâng cao hiệu quả công việc”.
Cơ quan này còn khẳng định, công nghệ này đặc biệt hữu ích với những tin tức mới, cập nhật nhất.
Tuy nhiên, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Oxford Michael Wooldridge lại bày tỏ với BBC rằng, trí tuệ nhân tạo này khiến người xem “khá khó để xem quá vài phút” vì “nó rất phẳng, rất đơn điệu, không có nhịp điệu, nhịp độ hay sự nhấn mạnh”.