pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trung Quốc: Giới trẻ nông thôn "làm ngơ" chuyện sinh con
Tỷ lệ sinh ở các vùng nông thôn đã không thể bù đắp cho tỷ lệ sinh ở thành phố của Trung Quốc như trước
Liang Du, 42 tuổi, sinh ra ở một ngôi làng vùng núi hẻo lánh ở tỉnh Giang Tây, là con thứ bảy trong gia đình và là con trai duy nhất. Vào thời điểm đó, một gia đình nông thôn càng có nhiều con, đặc biệt là con trai được cho là điều tốt đẹp và may mắn. Tuy nhiên, sau bốn thập kỷ, quan điểm về việc sinh con ở Trung Quốc đã thay đổi đáng kể.
9 cháu trai trưởng thành của Liang đều rời quê đến các thành phố hoặc đô thị lớn hơn do đi học hoặc kết hôn. Vì chi phí nuôi dạy con cái ngày càng tăng, tất cả đều chọn sinh ít con hơn. 4 trong số 9 cháu trai Liang có hai người con, những người còn lại chỉ có một con.
Liang cho biết, ngày nay, chi phí kết hôn và nuôi con cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của người trẻ dù ở nông thôn hay thành thị. "Nếu các gia đình muốn sinh thêm con, họ phải rời quê đến nơi khác tìm việc. Hầu hết trẻ em ở nông thôn đều bị cha mẹ bỏ lại và họ không muốn con mình phải chịu những trải nghiệm tương tự", Liang nói.
Tỷ lệ sinh ở nông thôn không thể bù đắp cho thành thị
Vào tháng 6 và tháng 7, chính quyền một số tỉnh đã tiến hành các nghiên cứu về hôn nhân và sinh con của những cư dân nông thôn trẻ tuổi từ 18 đến 35 tuổi.
Tại thành phố phía bắc Thanh Đảo, các nhà chức trách cho biết khoảng 58,43% thanh niên đã kết hôn hoặc ly hôn ở vùng nông thôn đã có một con, 29,78% có hai con, trong khi đó 11,8% không có con và chỉ 1% có ba con trở lên. Ở vùng nông thôn phía đông nam tỉnh Ninh Ba, chỉ 0,89% thanh niên có từ ba con trở lên, trong khi 62,5% có một con. Tại thành phố Diêm Thành (Giang Tô) 11,8% thanh niên có hộ khẩu nông thôn cho biết họ muốn có ba con, trong khi ở thành phố Kim Hoa (Chiết Giang) là 10,2% và ở Tế Nam (Sơn Đông) là 11,2%.
Theo Huang Wenzheng, nhà nhân khẩu học nghiên cứu về tỷ lệ sinh ở Trung Quốc, tỷ lệ sinh của những người trẻ nông thôn đang giảm nhanh chóng, thậm chí còn nhiều hơn so với những người ở thành thị. Trước đây, tỷ lệ sinh ở khu vực nông thôn cao có thể bù đắp cho tỷ lệ sinh ở thành phố.
Giáo dục đắt đỏ, chi phí kết hôn và vấn đề hộ khẩu
Giáo dục đang trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là khi các trường học ở vùng nông thôn đóng cửa do dân số ngày càng giảm. Điều đó đã buộc các bậc cha mẹ ở nông thôn phải gửi con đi học ở thành phố, làm tăng chi phí cho giáo dục và gây trở ngại trong việc sinh con.
Mandy Zhou, người điều hành trường mẫu giáo tư thục ở một huyện miền núi nông thôn tỉnh Giang Tây nói: "Tôi nghĩ rằng sự sụt giảm trẻ sơ sinh là một thực tế không thể thay đổi được ở cả thành thị và các vùng nông thôn bởi vì chi phí kết hôn và nuôi con rất cao đối với thanh niên địa phương".
Zhou cho biết, ở Giang Tây, học phí của trường mẫu giáo công lập 6.000 nhân dân tệ (hơn 21 triệu đồng) một năm trong khi trường mẫu giáo tư thục lên đến khoảng 10.000 nhân dân tệ (khoảng 35,4 triệu đồng) một năm; giá nhà ở vào khoảng 6.000 nhân dân tệ/m2. Nhưng thực tế những người trẻ ở đây thường kiếm được khoảng 2.000 - 3.000 nhân dân tệ ( 7 - 10 triệu đồng) một tháng. Chưa kể, của hồi môn cho đám cưới ở khu vực vào khoảng 160.000 - 200.000 nhân dân tệ (khoảng 567 - 709 triệu đồng) và bắt buộc phải có nhà cửa. Rất ít người trẻ, đặc biệt là phụ nữ, sẵn sàng sống trong làng hoặc thị trấn với con cái của mình.
Trong khi đó, hộ khẩu - giấy tờ kiểm soát việc tiếp cận dịch vụ công dựa trên nơi sinh của chủ sở hữu cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định sinh con của nhiều người trẻ nông thôn nhập cư. Theo đó, người lao động có hộ khẩu ở quê sẽ có rất ít quyền lợi sử dụng dịch vụ công ở thành phố họ chuyển đến làm việc. Theo số liệu chính thức, gần 64% người Trung Quốc sống ở các thị trấn và thành phố vào năm ngoái, nhưng chỉ 45,4% có hộ khẩu ở thành thị. Con số đó tương đương với 249 triệu người nhập cư sống ở thành phố không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ công, bao gồm giáo dục cho con cái.
Những đứa con bị bỏ lại phía sau
Thế hệ lao động nhập cư ngoài 40, hiện họ đã trở về quê với số tiền dành dụm được để lập gia đình và sinh con cái. Đối với thế hệ này, chi phí kết hôn và sinh con dựa trên mức sống nông thôn là tương đối thấp.
Tan Biao, một công nhân nhập cư và là mẹ của hai đứa con ở vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Đông cho biết: "Tôi và chồng làm việc ở Đông Quan, chúng tôi để các con từ 6 đến 13 tuổi sống với ông bà nội trong làng. Chúng tôi chi khoảng 35.000 nhân dân tệ (hơn 124 triệu đồng) mỗi năm cho chi phí nuôi con. Tôi cảm thấy có lỗi khi không thể sống chung với con, nhưng nếu đưa các con đến thành phố, chúng tôi sẽ phải gửi chúng đến các trường tư thục, việc thuê căn hộ lớn hơn sẽ khiến chi phí sinh hoạt tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần".
Theo Huang, một vấn đề lớn là các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang tụt hậu so với nhu cầu cấp thiết và thực tế. Trong tương lai, dân số nông thôn của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và vấn đề già hóa dân số cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Hầu hết các cặp vợ chồng trẻ ở tuổi 20 sẽ chọn không sinh con nếu sống ở nông thôn.