pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trung Quốc: Phụ nữ mở tiệc ăn mừng coi ly hôn là "ngày hạnh phúc"
Ảnh minh họa: Getty Images
Trong phòng karaoke tràn ngập bóng bay, hoa giấy và bánh ngọt, một phụ nữ 34 tuổi đang cùng bạn bè nhảy múa để kỷ niệm "sự tái sinh" của cô. Bữa tiệc được tổ chức để chúc mừng cô kết thúc cuộc hôn nhân 4 năm. Tài khoản chia sẻ khoảnh khắc này lên mạng xã hội có tên Sushi.
Rũ bỏ những định kiến xã hội xung quanh việc ly hôn cho rằng cô nên cảm thấy xấu hổ và thất bại, Sushi quyết định tổ chức tiệc với tất cả bạn bè nữ của mình. Cô diện chiếc váy đen yêu thích đã mua từ trước khi gặp chồng, tượng trưng cho việc cô đang "trở lại cuộc sống trước khi kết hôn".
Sự kiện giống như một bữa tiệc độc thân. Trên tường là một biểu ngữ lớn màu đỏ in dòng chữ "Cuộc đời là một sân khấu lớn, vì vậy hãy dũng cảm và bay lên!". Bạn bè rải hoa giấy lên người Sushi và tặng hoa cho cô như họ đang ăn mừng chiến thắng. "Nếu biết ly hôn sẽ vui vẻ như vậy thì tôi đã làm điều đó từ lâu rồi!", Sushi viết trên mạng xã hội.
Trên Xiaohongshu, một mạng xã hội chia sẻ video của Trung Quốc, các bữa tiệc ly hôn và nội dung truyền cảm hứng về cuộc sống của những phụ nữ mới ly hôn đang thu được hàng nghìn lượt thích. Những bình luận như "Chúc mừng sự tái sinh!" và "Chúc mừng!" tràn ngập video tiệc ly hôn của Sushi.
Wushuang, một blogger thời trang 35 tuổi, cũng đã tổ chức lễ ly hôn vào tháng 6 năm ngoái. Cô mời bố mẹ và một số bạn bè đến chứng kiến sự khởi đầu mới này trong cuộc đời cô.
Thất bại trong hôn nhân hoặc mối quan hệ tình cảm không có nghĩa là cuộc đời tôi cũng thất bại.
Wushuang chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội
Thay đổi quan điểm về việc ly hôn trong xã hội Trung Quốc là khá rõ rệt. Trước đây, phụ nữ có địa vị xã hội thấp, điều này dẫn đến việc nam giới thường chiếm ưu thế trong các thủ tục ly hôn.
Ly hôn thường làm tổn hại danh tiếng của phụ nữ nhưng đàn ông thì không. Điều này đã bắt đầu thay đổi vào năm 1980, khi đăng ký ly hôn được thực hiện dễ dàng hơn, với việc chấp nhận lý do ly hôn chính thức là "rạn nứt tình cảm đôi bên".
Theo Yaya Chen, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải và là nhà hoạt động về bình đẳng giới, các buổi tiệc công khai này là minh chứng cho thấy thái độ đang thay đổi ở Trung Quốc. "Xã hội ngày càng chấp nhận ly hôn hơn, điều này một phần liên quan đến việc số lượng phụ nữ độc thân, chưa kết hôn và nhận thức của phụ nữ về bình đẳng giới đang gia tăng", bà nói.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học và vấn đề già hóa dân số, chính phủ đang cố gắng khuyến khích kết hôn, đồng thời làm chậm tỷ lệ ly hôn. Năm 2021, chính phủ Trung Quốc bổ sung giai đoạn "thời gian tĩnh lại" trong thủ tục giải quyết ly hôn. Theo đó, các cặp vợ chồng muốn ly hôn phải trải qua 30 ngày "hạ nhiệt" để xem xét lại mối quan hệ trước khi chính thức được chấp thuận ly hôn.
Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc đã tăng từ 0,96% vào năm 2000 lên 3,10% vào năm 2020. Đồng thời, tỷ lệ kết hôn đã giảm mạnh từ 6,7% năm 2000 xuống 5,8% vào năm 2020. Theo dữ liệu của Tòa án Nhân dân Tối cao gần đây nhất, trong năm 2016 và 2017, hơn 73% nguyên đơn trong các vụ ly hôn là phụ nữ. Trong số hơn 1,4 triệu trường hợp ly hôn, nguyên nhân chính là bất hòa, chiếm hơn 77,5%. Bạo lực gia đình chiếm 14,9%.
Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết mục đích chính của điều luật là muốn tạo "thêm thời gian cho những người ly hôn vội vàng hoặc bốc đồng". Tuy nhiên, giai đoạn "hạ nhiệt" đã vấp phải nhiều phản ứng tiêu cực trên mạng xã hội Trung Quốc. Một phụ nữ cho biết cô cảm thấy "bị xiềng xích lại trong một tháng" trong khi một người khác cho rằng quy định này "tạo ra sự xáo trộn trong xã hội".
Số vụ ly hôn ở Trung Quốc đã giảm trong ba năm qua nhưng các nhà nhân khẩu học chỉ ra mối tương quan giữa điều này với sự sụt giảm trong kết hôn, với năm 2022 được ghi nhận là năm số liệu về đăng ký kết hôn chạm mức thấp nhất trong 37 năm. Họ cũng lưu ý rằng tỷ lệ ly hôn có xu hướng giảm trong thời kỳ kinh tế bất ổn, như điều Trung Quốc hiện đang trải qua.
"Một số người đã chọn hoãn kết hôn để thăng tiến trong sự nghiệp, học tập và chuyên môn cũng như để tận hưởng sự tự do cá nhân. Ly hôn được coi là cứu cánh cho những mối quan hệ tan vỡ, là giải pháp cho những vấn đề trong hôn nhân và là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới", TS. Pan Wang, giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc và châu Á tại Đại học New South Wales, nói.
Ngày Sushi đến cục dân sự để hoàn tất thủ tục ly hôn, cô đã thuê một nhiếp ảnh gia để ghi lại quá trình. Cô làm mờ hình chồng cũ và chia sẻ nó lên mạng xã hội. "Điều quan trọng là phải ghi lại ngày hạnh phúc này", cô viết.