pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vượt rào cản quá khứ để bước vào mối quan hệ mới
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Nhật Hoài Thương (ở thành phố Cần Thơ) vừa quyết định chuyển công tác về Hưng Yên. Khi biết điều này, bạn bè, người thân khuyên chị không nên "liều", vì bắt đầu khi tuổi không còn trẻ ở một vùng đất mới là cả một vấn đề.
"Mình đã một lần dang dở nên càng phải thận trọng. Tại sao không là nó (tức người yêu của chị Thương) chuyển công tác vào Cần Thơ mà cậu lại phải chuyển ra Bắc? Ra ngoài đó lạ nước lạ cái, lại một thân một mình, nhỡ có chuyện gì thì sao?", bạn của chị Thương đặt câu hỏi và khuyên chị nên ở lại, thay vì theo người yêu chuyển công tác.
Chị Thương hiểu, mọi giả thiết, sự nghi ngờ, lời khuyên của bạn bè, người thân đều vì muốn tốt cho chị. Nhưng là người trong cuộc, chị Thương biết mình phải làm gì để quyết định hạnh phúc của mình.
Đã 14 năm nay, kể từ khi chồng sắp cưới mất (trên đường hai người về quê trước hôn lễ 1 tháng), chị Thương không yêu ai, càng không có nhu cầu thiết lập mối quan hệ mới với bạn khác giới. Một phần vì ám ảnh vụ tai nạn, một phần vì những kỉ niệm và ký ức về anh quá sâu sắc, khiến chị không thể nào vượt qua được.
Sau sự ra đi của anh, chị Thương rơi vào khủng hoảng tâm lý, nhớ nhớ quên quên, sống trong hoài niệm. Ròng rã hai năm đi điều trị tâm lý, mãi chị Phương mới có thể đi làm trở lại.
Hơn 2 năm trước, trong một lần ra Hà Nội công tác, công việc kết thúc sớm hơn kế hoạch 1 ngày, thay vì đổi vé về sớm, chị Phương đi cùng người bạn đến một ngôi chùa nằm ở ngoại thành Hà Nội thăm nhóm trẻ mồ côi. Và ở đó chị đã gặp anh, người đàn ông hiện tại chị quyết định sẽ đi cùng nhau đoạn đường dài suốt cuộc đời còn lại.
Chị vô cùng bất ngờ khi biết hồi nhỏ, anh từng là đứa trẻ mồ côi, được cưu mang trong chùa. Đó là lý do khi trưởng thành, có điều kiện kinh tế, anh thường xuyên giúp đỡ các em nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa sống trong chùa và các cô nhi viện.
Câu chuyện về anh đã để lại ấn tượng mạnh trong chị Thương. Sau lần gặp gỡ trong chùa, chị Thương và anh thường xuyên chuyện trò, nhắn tin qua điện thoại. Anh có 1 cô con gái học lớp 6. Cô bé dễ thương nhưng nhút nhát, sống thu mình kể từ khi mẹ mất bởi bạo bệnh.
Lần đầu tiên gặp cô con gái nhỏ của anh, tim chị Thương nhói đau. Không hiểu sao, chị lại có cảm giác muốn được che chở, bao bọc cho con bé. Chị biết, anh từng rất yêu vợ, nếu chị ấy không mắc bệnh hiểm nghèo thì họ đã luôn là một gia đình hoàn hảo.
Cũng như chị, đã, vẫn và mãi mang trong tim hình bóng của người chồng sắp cưới ngày nào. Thật lạ, trong nỗi nhớ người xưa da diết, chị Phương lại trỗi dậy niềm khát khao có một gia đình, được nghe tiếng gọi "mẹ".
Chị Thương thú nhận, thực sự, không dễ dàng gì để vượt qua được rào cản vô hình ngự trị trong tâm hồn suốt bao lâu nay. Nỗi đau ngày nào sau 14 năm cũng dần nguôi ngoai nhưng để quyết định mở lòng đón nhận tình cảm mới, không phải muốn là làm được ngay.
Là người từng trải nên bạn trai hiện tại của chị Thương hiểu rằng, nếu không chia sẻ hết với nhau những trắc ẩn trong lòng thì rất khó để vượt qua được day dứt từ quá khứ. Vậy là anh lên kế hoạch dành thời gian bên nhau, để hai người có thể nói hết với nhau những suy nghĩ, điều còn cấn cá trong lòng.
Anh chia sẻ với chị kỉ niệm buồn vui về người vợ quá cố, về những dự định còn dang dở của cô ấy; bày tỏ mong muốn hiện tại, tương lai của mình… Ngược lại, chị Thương cũng kể cho anh nghe về những kí ức đẹp đẽ và cả nỗi đau quá lớn kéo dài hết thanh xuân của mình.
"Khi chúng tôi bộc bạch hết được nỗi niềm chất chứa trong lòng, chúng tôi mới thực sự đồng cảm, thấu hiểu và sẵn sàng cho một mối quan hệ mới. Tôi tin, chúng tôi sẽ có một gia đình hạnh phúc, vì chúng tôi biết trân trọng niềm vui, nỗi buồn và cả những mất mát mà hai người đã từng đi qua", chị Thương chia sẻ.