pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trung thu vẹn tròn đến các em nhỏ dân tộc La Chí
Những em bé người dân tộc La Chí với nụ cười rạng rỡ. Ảnh: Vietravel
Phải mất 4 tiếng di chuyển từ Hà Nội tới Bắc Hà, rồi hơn 3 tiếng từ Bắc Hà lên tới Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) với cung đường khá xa và khó khăn nhưng niềm háo hức vì được đến với những trẻ em vùng cao như xua tan đi mỏi mệt.
Suốt cả chặng đường đi, chúng tôi cứ ngân nga mãi theo giai điệu của những câu hát: "Mấy đứa trẻ đi lên trường, đội trên đầu là đoá mây trắng; Chân đạp lên mặt trời, môi thì cười và má hây nắng; Những nụ cười làm cho lòng đang bộn bề bỗng hoá ngay ngắn; Lên trên này thấy các em, anh mới thấy mình quá may mắn...".
Lời bài hát "Nấu ăn cho em" của Đen Vâu quả thật đúng với hình ảnh các em học sinh dân tộc La Chí ở nơi này, và thật giống với cảm xúc của đoàn từ thiện chúng tôi - đồng cảm, yêu thương và mong sớm được gặp các em.
Chúng tôi dừng chân tại Bản Phùng, một bản nhỏ thuộc huyện Hoàng Su Phì. Bản Phùng có những thửa ruộng bậc thang rất cao, uốn lượn trùng điệp, chạy dài từ ven suối lên đỉnh núi và xen lẫn những cánh rừng nguyên sinh, cùng những nương chè cổ thụ. Dưới ánh nắng như rót mật, những thửa ruộng bậc thang chuyển mình từ xanh ngút ngàn sang vàng bát ngát, khéo léo phô diễn hết nét đẹp vốn có của mình.
Với những người khách phương xa, Bản Phùng sở hữu "vẻ đẹp triệu đô" với tầm nhìn ngút ngàn, xanh mát. Nhưng đây lại là một trong những xã nghèo. Trường tiểu học Bản Phùng cũng là một trong những trường khó khăn của xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì với 290 em học sinh, trong đó có 180 em học sinh bán trú. 100% các em học sinh tại trường đều là người dân tộc La Chí - là một trong những dân tộc ít người có đời sống khó khăn, canh tác và chăn nuôi ở vùng núi cao, có địa hình khá hiểm trở nhưng vẫn còn giữ được nét đặc sắc văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình. Cho đến nay, hầu như vùng định cư tập trung, phương thức canh tác ruộng bậc thang, kiến trúc nhà ở, lễ hội cộng đồng và tín ngưỡng trò chơi dân gian... đều còn lại nguyên vẹn.
Trường Tiểu học Bản Phùng tuy vừa được một số mạnh thường quân hỗ trợ xây lại hệ thống phòng học, song cơ sở vật chất, vật dụng tại khu bán trú và bếp ăn vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, rất cần những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ chia sẻ.
"Lên đến Bản Phùng, Hoàng Su Phì mới cảm nhận được đời sống của các em học sinh tại đây. Các em còn rất nhiều thiếu thốn, con đường đến trường cũng khó khăn và xa xôi. Nếu bình thường, trước mỗi chuyến đi, động lực của chúng ta là một thì khi tham gia chương trình này, động lực của ta sẽ nhân lên thành gấp ba, gấp bốn", chị Mai Hương (Hà Nội) xúc động chia sẻ.
Với chương trình du lịch kết hợp từ thiện, du khách được trực tiếp trao tặng đồ dùng học tập, trang thiết bị, học bổng, lương thực thực phẩm cho các điểm trường, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu cuộc sống của các em học sinh và thầy cô giáo tại địa phương. Ảnh: Vietravel
Với hành trình đầy ý nghĩa mang trung thu đoàn viên đến các em nhỏ, chuyến đi đã mang niềm vui tới cho các em học sinh tại vùng sâu vùng xa. Những nụ cười trên môi của các em nhỏ người dân tộc khi được mặc lên những chiếc áo ấm, cầm trên tay những chiếc đèn ông sao nhiều màu sắc hay được tặng những gói kẹo bánh, mọi khó khăn, rào cản về khoảng cách địa lý cũng như văn hóa dường như được xóa nhòa.
Cô Phạm Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán Trú Tiểu học Bản Phùng cho biết: "Những món quà từ chương trình từ thiện đã giúp 180 em học sinh có thêm chăn ấm, áo phao để vượt qua mùa đông giá lạnh; đồng thời cũng trao tặng thêm nhiều vật dụng thiết thực như Tivi, nồi cơm điện, téc nước, khay ăn, bàn ghế,… để các em học sinh bán trú có điều kiện tốt hơn khi sinh hoạt tại nhà trường".
"Hạnh phúc không chỉ là điểm đến, mà còn là hành trình chúng ta đang đi", những chương trình du lịch kết hợp từ thiện không đơn giản chỉ là khám phá, mà còn là lan tỏa tình yêu thương, cho đi và nhận lại.