pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Thực tiễn đòi hỏi nhà thơ tiếp tục tham gia tích cực vào đời sống xã hội
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa (bìa trái), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
Đánh trống khai mạc Ngày Thơ Việt Nam năm 2023 đêm Nguyên tiêu (tối 5/2) và phát biểu tại Lễ khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: Ở mọi thời kỳ, từ dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, chống đồng hoá, để xây đắp văn hiến và duy trì sự phát triển dòng giống Lạc Hồng.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ vui mừng thời gian qua các nhà thơ đã nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước hiện thực phát triển phong phú và sâu sắc của đất nước. Đồng thời mạnh dạn soi rọi, khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề xã hội, đã có những lý giải, cắt nghĩa theo cách riêng đầy sức thuyết phục. Nhiều tác phẩm của nhà thơ được các tầng lớp độc giả đón nhận và có tác động tích cực tới đời sống tinh thần cộng đồng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: "Thực tiễn đòi hỏi nhà thơ cần tiếp tục tham gia tích cực vào đời sống xã hội, nhập cuộc sâu hơn, sát hơn, để nghe kỹ hơn, nhìn tinh hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội cũng như trong tâm tư mỗi cá nhân".
"Chỉ khi áp sát với đời sống, thơ ca mới đạt được sự chân xác trong ngợi ca, tôn vinh những thành quả tốt đẹp mà nhân dân mình, Tổ quốc mình đạt được. Cũng chỉ khi áp sát với đời sống, thơ ca mới phản ánh, nhận diện, mổ xẻ chính xác về các khía cạnh nóng bỏng của xã hội. Và cũng chỉ khi bám sát với hiện thực đất nước, những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật mới có giá trị, ý nghĩa nhất định" - Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ mong muốn tác phẩm của các nhà thơ phải vươn ra khỏi địa giới quốc gia; là một đại sứ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam thời kỳ mới. Mỗi tác phẩm phải là một tiếng nói xác lập tư cách, vị thế của dân tộc ta, đất nước ta trong con mắt bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày Thơ, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: Các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Với quyền lực của ngôn từ, với vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn và bản lĩnh của mình, thơ ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe doạ và đi qua cả cái chết để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trên xứ sở chúng ta và nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất này.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kêu gọi: "Các nhà thơ và những người yêu thơ trên xứ sở chúng ta hãy cùng nhau viết chung một bài thơ - Bài thơ của tình yêu thương con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng bằng những cách riêng của trái tim mình".
Trong đêm thơ Nguyên tiêu này, điểm mới của Chương trình khác với mọi năm là ngày thơ chia thành 2 sân thơ, thì năm nay hợp thành một sân thơ duy nhất. Điều này thể hiện sự liên tục, tiếp nối và không có sự phân biệt trải dài qua 4 chương lớn: "Thơ mới và thơ trong kháng chiến chống Pháp" - "Thơ trong kháng chiến chống Mỹ" - "Thơ thời kỳ đổi mới" và "Thơ trẻ".
Một số hình ảnh nhà thơ trình bày các tác phẩm thi ca của mình trong Ngày thơ: