Trường sư phạm tuyển sát điểm sàn, thí sinh vẫn thờ ơ

07/08/2017 - 13:36
Trong khi điểm chuẩn các ngành khối công an, quân đội, y dược… cao kỷ lục, thì ngành sư phạm gây chú ý khi lấy điểm đầu vào sát nút điểm sàn mà vẫn không lấp đầy chỉ tiêu.

Sát điểm sàn vẫn vắng bóng thí sinh

Ngoại trừ hai cơ sở đào tạo lớn là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP.HCM, phần lớn các cơ sở đào tạo còn lại đều lâm vào tình trạng khan hiếm hồ sơ đầu vào, dù điểm chuẩn thấp.

Theo thống kê, rất nhiều trường sư phạm lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn 15,5 điểm của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm mầm non.

Ngành sư phạm đang ngày càng thiếu hấp dẫn người học. Ảnh minh họa 

Tại Trường ĐH Vinh, ngoài một số ngành học là sư phạm tiếng Anh, giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non và giáo dục thể chất có điểm chuẩn từ 20 đến 27 điểm, tất cả các ngành sư phạm còn lại đều lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn là 15,5 điểm.

Một cơ sở khá uy tín là ĐH Sư phạm Huế thì năm nay điểm chuẩn lấy đúng bằng với mức điểm sàn. Tương tự, tại ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), cả 10/10 ngành sư phạm hệ ĐH đều lấy điểm chuẩn là 15,5 điểm.

Điểm chuẩn lấy bằng điểm sàn cũng là lựa chọn của nhiều trường ĐH ngành sư phạm năm nay như ĐH Tân Trào - Tuyên Quang, ĐH Thái Nguyên.

Nhưng bi đát nhất có lẽ là ĐH Sư phạm Hà Nội 2 - một trong những trường có đầu vào cao không kém cạnh ĐH Sư phạm Hà Nội thì năm nay, có 4/13 ngành chấp nhận điểm chuẩn dưới 19 điểm chỉ vì thiếu nguồn tuyển.

“Chúng tôi cũng rất “đau đầu”!”

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) đã thốt lên như vậy khi nói về bức tranh tuyển sinh của ngành sư phạm năm nay.

Theo bà Phụng, ngành sư phạm đang thiếu sức cạnh tranh và tình trạng này còn khó khăn hơn rất nhiều ở những vùng miền khó khăn.

“Những nơi lấy điểm chuẩn thấp là các trường địa phương, các trường cao đẳng. Còn như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM điểm chuẩn vẫn cao. Đây vừa là yếu tố ngành và vùng miền, chúng ta buộc phải chấp nhận. Đồng thời đây cũng là bài toán cần nhiều người chung tay để giải quyết cùng với ngành giáo dục” - theo bà Kim Phụng.

Chia sẻ về điều này, ông Khổng Chí Nguyện, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tân Trào, cho rằng, chưa năm nào nguồn tuyển khan hiếm như năm nay. Ngành Sư phạm Toán trường chỉ tuyển 35 chỉ tiêu nhưng chật vật mãi, mới chỉ có 10 hồ sơ đăng ký.

Theo ông Nguyện phải qua ngày 7/8 mới chắc chắn các em có nhập học hay không. Năm ngoái, số hồ sơ nhỉnh hơn một chút với khoảng 60% lấp đầy chỉ tiêu. Trường đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút sinh viên như miễn phí ký túc xá năm 1-2; trao học bổng cho 10 em trúng tuyển đầu vào có điểm cao nhất, học bổng các kỳ đào tạo, sinh viên có điểm xuất sắc được giữ lại trường hoặc thực tập ở nước ngoài... Tuy nhiên, việc tuyển dụng vẫn khó khăn.

Ông Nguyễn Phúc Chỉnh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cho biết, hiện rất nhiều ngành thiếu chỉ tiêu khá nhiều như Vật lý mới chỉ có 22 trong 60 chỉ tiêu; ngành Sư phạm Tin tuyển 40 chỉ tiêu thì có 3 thí sinh đỗ với mức điểm 17-20. Ngành Sư phạm Vật lý chỉ tiêu 60 nhưng số trúng vào mới được 22, trong đó 5 thí sinh có mức điểm xét tuyển 15,5-16,75.

Theo hầu hết các trường, thí sinh thiếu mặn mà, hứng thú với ngành sư phạm do chế độ đãi ngộ thấp, ra trường xin việc rất khó khăn, vướng nhiều tiêu cực.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng thừa nhận, chính sách ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm như miễn học phí, phụ cấp thâm niên nghề... đã không còn đủ hấp dẫn thí sinh.

“Trong điều kiện trước đây, miễn học phí là chính sách thu hút được thí sinh giỏi. Nhưng hiện nay, học phí không còn là khó khăn của đa số sinh viên nữa, do đó không phát huy được tác dụng trong thời gian này. Điểm khác nhau chính là chính sách chứ không phải là điểm sàn. Có điểm sàn riêng cũng sẽ không thay đổi. Vì vậy, cần sự thay đổi đồng bộ các chính sách không chỉ cho sinh viên sư phạm mà cho cả giáo viên” - nữ Vụ trưởng cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm