pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trưởng thành cùng với sự cô đơn
Ảnh minh họa: Freepik
Sống xa quê, lại làm việc online nên Đoàn Khánh Huyền (25 tuổi, quê ở Bắc Giang) không có nhiều mối quan hệ xã hội. Thế nên, sự giao tiếp của cô chủ yếu trên mạng xã hội. Nhiều hôm cảm thấy buồn và trống trải, cô lướt danh sách bạn bè trên facebook và nhận ra không biết phải nhắn tin cho ai.
"Điện, nước bị hỏng, em có thể mày mò sửa, cùng lắm là gọi thợ. Em cảm thấy thực sự cô đơn trong những ngày bị ốm, trong những ngày tâm trạng buồn bã, chán nản. Cứ nói mình là người mạnh mẽ, độc lập, thế nhưng khi ở trong hoàn cảnh như vậy mới thấy sự cô đơn đáng sợ thế nào.
Dù sao, em vẫn phải vượt qua sự cô đơn bằng việc tạo niềm vui cho mình. Thời gian rảnh, em đọc sách, xem phim, đi dạo… Gần đây, em có sở thích mới là trồng cây. Chăm sóc và ngắm cái cây lớn lên mỗi ngày cũng khiến tâm trạng em vui lên nhiều", Khánh Huyền trải lòng.
Khác với Khánh Huyền, Đặng Ngọc Anh (26 tuổi, ở Hà Nội) sống cùng bố mẹ và chị gái nhưng cô không khác gì sống… một mình. Bất đồng quan điểm với bố mẹ, Ngọc Anh một mình một phe, nên cô thường tìm cách tránh né các bữa cơm gia đình.
Nếu có ăn cùng, cô cũng chỉ tập trung vào ăn mà không nói chuyện với ai. Áp lực công việc, những khó khăn ngoài cuộc sống, cô không thể chia sẻ với người thân mà loay hoay một mình.
Sự cô đơn của Nguyễn Phương Mai (24 tuổi, ở quận Bình Tân, TPHCM) trở nên trầm trọng khi cô chia tay người yêu. "Trải qua thời gian nằm viện một mình, em đã khóc rất nhiều vì cảm thấy tủi thân. Thế nhưng, em biết mình phải vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nghĩa là, em phải học cách đối mặt và giải quyết vấn đề đó.
Em đã đi mua hoa về cắm. Em tìm chỗ học đánh cầu lông. Em đạp xe và cố gắng làm cuộc sống của mình vui vẻ lại. Em nhận ra, cô đơn cũng không quá tệ vì mình không phụ thuộc, không chìm đắm vào người khác. Tuy nhiên, không nên để mình trong tình trạng cô đơn quá lâu".
Theo Phương Mai, mọi người có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi có nhiều người xung quanh họ. Tuy nhiên, việc họ không cảm thấy kết nối được với bất kỳ ai mới là cảm giác đáng sợ nhất.
"Cô đơn khiến chúng ta tăng cảm giác lo âu. Bởi, nếu có những mối quan hệ gắn bó thì chúng ta sẽ thấy được kết nối, được hỗ trợ, được giúp đỡ. Không cảm thấy kết nối được với ai sẽ khiến chúng ta cảm thấy bất an. Chúng ta có thể khắc phục vấn đề này bằng việc kết nối lại với bạn bè và gia đình.
Nhiều người trách bố mẹ sao không chịu hiểu mình mà không nhận ra vì mình không cho họ cơ hội để hiểu. Việc kết nối với đồng nghiệp cũng rất quan trọng, bởi chúng ta dành phần lớn thời gian ở công sở.
Chỉ cần nhớ, hãy kiên trì với bản thân hơn một chút và cho những người khác thêm cơ hội để bước vào cuộc đời mình. Khi có sự kết nối, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, mới thấy cuộc sống không còn khó khăn với chúng ta nữa", Phương Mai chia sẻ.