Trưởng thôn 'ăn' cả trăm triệu tiền đền bù của dân

21/12/2016 - 12:11
Hàng chục hộ dân bị lấy ruộng phục vụ dự án. Khi tiền đền bù được chuyển về cho người dân, trưởng thôn đã 'xà xẻo' cả trăm triệu đồng. Sự việc diễn ra gần 10 năm trước nhưng giờ mới bị phát hiện.

Mất tiền gần 10 năm mới biết

Năm 2007, UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thực hiện Dự án xây dựng trạm bơm Hạ Dục. Có 37 hộ dân của thôn Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa, đã bị thu hồi ruộng để phục vụ dự án.

Được sự đồng thuận của người dân nên việc giải phóng mặt bằng (GPMB) được thực hiện rất nhanh. Dự án hoàn thành tốt đẹp.

2.jpg
Bị chiếm đoạt tiền từ năm 2007, đến nay những người dân này mới biết

Mới đây, xã Phú Nghĩa thực hiện việc dồn điền đổi thửa. Danh sách các hộ dân từng bị thu hồi ruộng phục vụ dự án năm 2007 được huyện Chương Mỹ gửi về. Soi vào bản danh sách, các hộ dân tá hỏa bởi trước đây họ chỉ bị thu hồi vài chục mét vuông, nay danh sách huyện gửi về lên đến cả trăm mét vuông.

Ngoài ra, số tiền người dân được lĩnh cũng thấp hơn nhiều so với số được ghi trong danh sách. Hơn nữa, thời điểm năm 2007, người dân chỉ lĩnh tiền 1 đợt, nay danh sách gửi về lại 2 đợt. Tất cả các hộ dân đều khẳng định, họ không hề biết có đợt nhận tiền lần 2. Cũng không ai ký vào bảng danh sách nhận tiền đó.

Bà Trịnh Thị Gắm, hộ dân có ruộng bị thu hồi năm 2007, cho biết: Khi thực hiện dự án xây trạm bơm Hạ Dục, gia đình bà bị thu hồi 51,7m2 ruộng và được bồi thường là 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, mới đây trong thông báo của huyện, nhà bà Gắm bị trừ tới 231,7m2. Như vậy nhà bà Gắm mất thêm 180m2. Số ruộng bị mất thêm nằm trong đợt thu hồi lần 2 vào năm 2008.

1.jpg
Bà Gắm (bên phải) ngạc nhiên khi gia đình mất cả trăm mét vuông ruộng

“Gia đình tôi không hề biết đợt thu hồi lần 2, cũng không ký nhận tiền đền bù đợt 2. Không hiểu ai đã ký nhận, chắc phải có người mạo danh”, bà Gắm nói.

Cũng chung cảnh ngộ như nhà bà Gắm là trường hợp gia đình ông Trần Bá Còm bị thu hồi đợt 1 là 30,5m2 và nhận mức tiền đền bù 2 triệu đồng. Thế nhưng, khi dồn điển đổi thửa lại bị trừ tới 183,5m2. Như vậy gia đình ông Còm sẽ mất tới 153m2 ruộng.

Khi thấy nhà mình “bỗng dưng” mất ruộng, bà Nguyễn Thị Bái, vợ ông Còm, đã phải lên tận huyện Chương Mỹ hỏi cho ra nhẽ. Khi bà đến nơi, cán bộ đưa cho xem hóa đơn có đầy đủ chữ ký bà Bái nhận tiền 2 đợt.

3.jpg
Chỗ bà Bái đang đứng là diện tích ruộng của gia đình bà bị thu hồi vào năm 2007

Bà Bái khẳng định: “Nhà tôi chỉ nhận 2 triệu đồng. Đợt 2 thu hồi ruộng bao nhiêu, được đền bù bao nhiêu, gia đình không hề biết. Thế nhưng, trong giấy tờ của huyện gửi về đợt 2, nhà tôi được đền bù hơn 10 triệu đồng. Chắc chắn có ai đó đã kê khai khống số diện tích bị thu hồi và lĩnh luôn cả số tiền Nhà nước đền bù cho gia đình tôi. Tôi mong cơ quan chức năng giám định chữ ký để làm rõ”.

Ông trưởng thôn thừa nhận “ăn” tiền của dân

Theo chứng từ bà Bái cung cấp cho PV, khi chi trả tiền đền bù hỗ trợ GPMB cho gia đình bà Bái năm 2008 (đợt 2), Ban Bồi thường GPMB huyện Chương Mỹ có lập 1 biên bản với đầy đủ con dấu, chữ ký của của những cán bộ có trách nhiệm là các ông: Nguyễn Ngọc Khánh - Phó ban Bồi thường GPMB huyện; ông Hoàng Gia Uyên - Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa; ông Trần Bá Nang - Trưởng thôn Đồng Trữ  và bà Nguyễn Thị Bái.

Cùng với biên bản này là 1 phiếu chi của Ban Bồi thường GPMB huyện và cả 2 đều được lập ngày 17/10/2008. Tuy nhiên, bà Bái khẳng định: “Chữ ký trên cả phiếu chi và biên bản này đều không phải của tôi”.

5.jpg
41.jpg
Bà Bái khẳng định, bà không hề ký vào những giấy tờ trên

Trong số 37 hộ dân của thôn Đồng Trữ bị thu hồi đất, có hộ bị thu đất 2 đợt nhưng chỉ được lĩnh tiền 1 đợt. Một số khác chỉ bị thu hồi 1 đợt nhưng số tiền được lĩnh lại thấp hơn nhiều so với số tiền được ghi trong danh sách đền bù. Như trường hợp gia đình ông Trần Bá Vảy.

Nhà ông Vảy bị thu hồi gần 500m2 đất nhưng chỉ được nhận 4,1 triệu đồng. Mới đây, khi đối chiếu với bản danh sách bồi thường của năm 2007 của huyện gửi về, ông Vảy “té ngửa” vì số tiền thực tế nhà ông được nhận lên đến gần 34 triệu.

Để làm rõ những khuất tất, người dân đã tìm đến nhà ông Trần Bá Nang - nguyên Trưởng thôn Đồng Trữ năm 2007 - để hỏi. Ông Nang đã thừa nhận là có “nhầm lẫn” và xin các hộ dân được “giải quyết tình cảm”. Hướng giải quyết của ông Nang là đền ruộng cho các hộ dân.

Ông Nguyễn Bá Doanh, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, cho biết: Ngày 19/12, xã đã mời các hộ dân lên làm việc. Bước đầu 11 hộ dân cho biết bị mất tiền và có sai sót về diện tích ruộng đã thu hồi. Đã có 7 hộ đồng ý với phương án nhận ruộng nếu ông Nang đền. Số tiền ông Nang đã chiếm đoạt trước mắt được xác định là hơn 124 triệu đồng.

9.jpg
Việc làm của ông cựu trưởng thôn khiến người dân Đồng Trữ vô cùng bức xúc

Nói về việc làm của ông Nang, người em trai của nguyên trưởng thôn này nói: “Anh tôi sai rồi. Việc anh tôi chiếm đoạt tiền của các hộ dân là chính xác. Gia đình cũng đang làm mọi cách để “khắc phục hậu quả” cho anh tôi. Không hiểu sao anh tôi lại làm được việc đó? Chỉ vì tham lam nên giờ anh tôi phải gánh lấy hậu quả”...

Những người trong gia đình ông Nang cũng xác định, việc “khắc phục” là mong ông Nang sau này sẽ được giảm tội. “Ông Nang bị truy tố về tội tham nhũng, chiếm đoạt tài sản là khó tránh khỏi. Tiền ông Nang chiếm đoạt là tiền của Nhà nước. Tội không nhẹ chút nào”, bà Thu - em dâu ông Nang - cho biết. 

Ông Trần Ngọc Thông, Chánh văn phòng UBND huyện Chương Mỹ, cho biết: Huyện đã nắm được vụ việc và đã yêu cầu UBND xã Phú Nghĩa báo cáo. “Quan điểm của huyện là không bao che cho cái sai. Nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm khắc”, ông Thông khẳng định.

Mặc dù bước đầu đã thừa nhận “xà xẻo” tiền của nhiều hộ dân, tuy nhiên, theo quy trình chi trả tiền hỗ trợ và bồi thường, những hộ dân bị thu hồi ruộng sẽ được Ban Bồi thường GPMB huyện về trực tiếp chi trả. Vậy tại sao ông Nang lại dễ dàng chiếm đoạt tiền? Nếu làm đúng quy trình thì ông Nang không dễ gì chiếm đoạt tiền của hàng chục hộ dân như vậy.

Báo PNVN sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm