26 điểm vẫn lo trượt
Đó là tâm trạng của ông Ngô Đức Cần (Thạch Hà, Hà Tĩnh) có con gái năm nay thi THPT Quốc gia. Con gái ông được 26 điểm. Như mọi năm, cả nhà ông sẽ ăn mừng bởi với điểm thi này, khả năng đỗ vào trường tốp đầu là chắc chắn.
Thế nhưng, “cục diện” thi cử năm nay lại thay đổi với mặt bằng điểm cao chót vót khiến con gái ông Cần và cả ông thấy chông chênh khi chọn trường tốp đầu.
“Tôi không hiểu tại sao những trường đầu bảng như ĐH Y Hà Nội cũng nhận hồ sơ từ 15,5 điểm, bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT. ĐH Ngoại thương cũng lấy bằng điềm sàn hoặc nhỉnh hơn một tí là 17 - 18 điểm. Con gái tôi 26 điểm mà giờ không chắc có thể vào được ĐH Ngoại thương!” - ông Ngô Đức Cần băn khoăn.
Vị phụ huynh này cho biết, hai hôm nay vợ chồng ông đang hỗ trợ con đọc thông tin tư vấn chỉ dẫn và cập nhật để cân nhắc có nên điều chỉnh nguyện vọng của con hay không.
“Số điểm 26 là cháu cũng thuộc dạng khá nhưng khi trượt nguyện vọng 1 thì chọn các trường nguyện vọng 2 càng khó. Trước đây con đầu của tôi đi thi về là biết đỗ hay không rồi. Nhưng mấy năm nay thì rất khó xác định được có chắc chắn đỗ hay không!” - ông Cần cho biết.
Chị Nguyễn Linh Anh (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng băn khoăn khi điểm thi năm nay cao khiến việc lựa chọn của con trai trở nên khó khăn. Theo chị, do đề ở mức dễ nên số điểm từ 22 đến 26 điểm rất đông, không phân loại rõ ràng như năm ngoái.
“Con tôi đăng ký vào trường ĐH luật Hà Nội mà chưa năm nào trường lấy điểm sàn thấp như năm nay (bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT). Tôi thấy các trường đang gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh. Tôi nhớ cảnh cách đây 3 năm một phụ huynh phải thuê xe cứu thương đi rút hồ sơ cho con hay nhiều thí sinh 28 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội. Bài học đắt giá thế mà các trường vẫn chưa tỉnh. Thật không biết đường nào mà chọn” - chị Linh Anh thẳng thắn chia sẻ.
Nguyên tắc vàng khi thay đổi nguyện vọng
Nắm được lo lắng của phụ huynh và học sinh, Bộ GD&ĐT cũng như các trường ĐH sớm đưa ra nhiều tư vấn sát sao, tùy vào từng ngành học để thí sinh lượng được sức trước khi “chốt hạ” hồ sơ.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), nếu điểm của thí sinh dưới điểm sàn xét tuyển của các trường thì chắc chắn phải điều chỉnh. Trong trường hợp điểm trên mức sàn xét tuyển từ 0,5 đến 3 điểm thì thí sinh mới cần cân nhắc.
“Thí sinh vẫn nên tham khảo phổ điểm theo tổ hợp xét tuyển của năm trước và năm nay để dự đoán mức biến động của điểm chuẩn và đưa ra những lựa chọn chính xác. Căn cứ phổ điểm, TS sẽ xác định được số người có mức điểm bằng và cao hơn mức điểm của mình trong năm 2017” - ông Nghĩa nói.
Theo đó, đối chiếu với phổ điểm năm 2016, thí sinh sẽ biết được có bao nhiêu người ở đạt mức điểm này, tỷ lệ chọi tăng giảm ra sao và dự đoán được mức điểm chuẩn. Dựa vào dự đoán biến động điểm chuẩn đó, thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng cho hợp lý.
Bên cạnh đó, thí sinh nên nghĩ tới 3 nhóm ngành/trường mà bản thân có khả năng trúng tuyển cao: Nhóm trường các em rất thích và điểm năm ngoái chỉ cao hơn một chút so với năng lực hay mức điểm của TS; nhóm ngành/trường hoàn toàn phù hợp với điểm thực tế và nhóm trường có mức chuẩn năm ngoái thấp hơn so với điểm thi của các em.
Một nguyên tắc nữa cũng được ông Nghĩa lưu ý là cách sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng. Theo quy định, thí sinh đủ điểm để trúng tuyển nhiều nguyện vọng sẽ chỉ được quyền vào học ngành có NV với thứ tự ưu tiên cao nhất.
Ý nghĩa của thứ tự NV ưu tiên khi trường đặt ra tiêu chí phụ là ưu tiên thứ tự NV cao của TS trong trường hợp quá nhiều TS có đầu điểm tương đương. “Vì thế các em phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các NV khi đăng ký xét tuyển và khi điều chỉnh NV xét tuyển” - ông Nghĩa nói.
Nhiều trường tốp trên lấy điểm sàn bằng mức điểm Bộ GD&ĐT công bố * ĐH Luật Hà Nội: 15,5 là mức điểm tối thiểu đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3 (không nhân hệ số) vào tất cả các ngành trong trường, tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi THPT quốc gia. Năm 2016, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đào tạo của ĐH Luật Hà Nội theo những tổ hợp xét tuyển khác nhau dao động từ mức 21,75 điểm đến 28 điểm (với tổ hợp không có môn nhân hệ số) và từ 29,25 điểm đến 31,25 điểm (với các tổ hợp xét tuyển có môn thi nhân hệ số). * ĐH Y Hà Nội, quy định tiêu chí và ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường năm nay thực hiện theo quy định chung của Bộ GD&ĐT là 15,5 điểm. Lãnh đạo trường lưu ý với các thí sinh, trước khi xét tuyển vào trường các em cần nghiên cứu, tham khảo điểm chuẩn của trường năm trước, bởi mức điểm chuẩn các năm thường chỉ dao động từ 0,5 đến 1 điểm. Dự kiến điểm chuẩn ngành Bác sĩ Y đa khoa năm nay có thể cao năm 2016, vượt ngưỡng 27 điểm. Các ngành khác dự kiến cũng tăng nhẹ. * ĐH Thủy lợi: Năm nay, trường tiếp nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh bằng điểm sàn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố 15,5 điểm. Việc điểm sàn tăng 0,5 điểm so với năm ngoái không ảnh hưởng gì đến việc xét tuyển của trường. * ĐH Hà Nội: Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển các ngành học bậc đại học hệ chính quy năm 2017 đối với học sinh phổ thông ở khu vực 3 là 15,5 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 03 môn/bài thi. Dự kiến, ngày 1/8, Trường Đại học Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo từng ngành cụ thể. |